Động lực tăng trưởng từ sắp xếp không gian phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP. Cần Thơ đang định hướng tổ chức, sắp xếp lại không gian với các trung tâm kinh tế động lực, các vùng, trục dọc, ngang, mở ra không gian phát triển mới, đưa Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng đất ”chín rồng”. Định hướng phân bổ không gian với các vùng công năng đô thị, công nghiệp, nông thôn được kỳ vọng sẽ đánh thức các tiềm năng, lợi thế, tạo ra động lực đáng kể cho sự phát triển bứt phá của Thành phố trong giai đoạn tới.
Chiến lược phát triển không gian của TP. Cần Thơ đảm bảo phân vùng mang đậm bản sắc sông nước và kết nối vùng, chú trọng phát triển đô thị ven sông. Ảnh: Lê Tiên
Chiến lược phát triển không gian của TP. Cần Thơ đảm bảo phân vùng mang đậm bản sắc sông nước và kết nối vùng, chú trọng phát triển đô thị ven sông. Ảnh: Lê Tiên

Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua, định hướng tổ chức không gian TP. Cần Thơ gồm: 2 trung tâm kinh tế động lực; 3 vùng phát triển; 2 trục dọc và 3 trục ngang.

Cụ thể, trong 2 trung tâm kinh tế động lực, trung tâm thứ nhất ở phía Bắc, từ quận Thốt Nốt kéo dọc theo tuyến đường Quốc lộ 80 và tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Trung tâm kinh tế động lực thứ hai ở phía Nam, xung quanh khu vực trung tâm hiện hữu với các quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng. Trong khi trung tâm phía Bắc thiên về công nghiệp, thì trung tâm phía Nam định hướng phát triển đa chức năng, nhưng thiên về đô thị, thương mại, dịch vụ. Hai trung tâm này kết nối với nhau bởi tuyến đường đa phương thức Nam sông Hậu.

Về phân vùng phát triển, không gian TP. Cần Thơ sẽ được tổ chức thành 3 vùng. Trong đó, vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam liên kết 4 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền (lưu vực sông Cần Thơ) với định hướng chung là vùng đô thị trung tâm của Cần Thơ, là đô thị thủ phủ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụm đô thị này sở hữu hầu hết các động lực phát triển kinh tế cho TP. Cần Thơ dưới dạng một đô thị tập trung, được ưu tiên phát triển.

Kế đến là vùng phát triển kinh tế mới phía Bắc. Vùng này liên kết các quận, huyện như: Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh. Trong đó, vùng lõi đô thị sẽ tập trung dọc 2 bên tuyến Nam sông Hậu, đồng thời cải thiện các trung tâm quận, huyện hiện hữu. Khu vực công nghiệp chính nằm trên địa bàn 2 huyện Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh. Các khu vực còn lại sẽ là không gian phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Định hướng chủ đạo của vùng phát triển kinh tế mới phía Bắc là công nghiệp quy mô lớn xen lẫn đất sinh thái và các điểm trung tâm đô thị nhỏ, tạo thành một cực phát triển ở phía Bắc của TP. Cần Thơ, là ưu tiên phát triển thứ hai.

Mạng lưới đô thị Cần Thơ gồm 2 khu vực: khu nội thành hình thành các khu chức năng đô thị; khu ngoại thành hình thành hệ thống đô thị vệ tinh, nâng cấp các thị trấn Thạnh An, Thới Lai, Phong Điền lên đô thị loại IV, qua đó mở ra không gian phát triển mới.

Vùng phát triển thứ 3 là vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Vùng này liên kết các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh thành vùng đô thị phía Tây đường cao tốc với định hướng trọng tâm là phát triển đô thị sinh thái sông nước, du lịch ở giữa vùng, nông nghiệp kết hợp năng lượng sạch ở 2 phía Bắc, Nam của vùng.

Không gian phát triển Cần Thơ cũng được hoạch định thành 2 trục theo chiều dọc, 3 trục theo chiều ngang. Cụ thể, 2 trục dọc theo sông Hậu và dọc tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; 3 trục ngang gồm: trục phía Bắc dọc cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, trục giữa dọc tuyến liên vùng Đồng Tháp - Ô Môn - Giồng Riềng, trục phía Nam dọc theo Quốc lộ 1A và cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau.

Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ đánh giá, chiến lược phát triển không gian của Cần Thơ đảm bảo phân vùng mang đậm bản sắc sông nước và kết nối vùng, chú trọng phát triển đô thị ven sông. Việc phân vùng công năng đảm bảo tính phù hợp, tính thống nhất liên vùng cho phát triển. Mỗi quận, huyện có một trọng tâm, một thương hiệu, phát huy tối đa giá trị thương hiệu hiện hữu. Mạng lưới đô thị Cần Thơ gồm 2 khu vực: khu nội thành hình thành các khu chức năng đô thị; khu ngoại thành hình thành hệ thống đô thị vệ tinh, nâng cấp các thị trấn Thạnh An, Thới Lai, Phong Điền lên đô thị loại IV.

“Cần Thơ sẽ phát triển đô thị thông minh, hiện đại. Thành phố hướng đến tiên phong về tổ chức các mô hình phát triển không gian, dẫn đầu về mô hình phát triển không gian cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những cấu trúc không gian đặc thù cho các lĩnh vực mới như công nghệ, đô thị sáng tạo, đô thị sinh thái, khôi phục rừng ngập nước, khu năng lượng tái tạo, bảo tồn và phát huy những không gian có giá trị văn hoá - xã hội”, ông Sáu nói.

Với lợi thế về kết cấu hạ tầng như cao tốc, sân bay, cảng biển đã và đang được đầu tư mạnh mẽ, đồng thời sở hữu tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên sông nước, kênh rạch, các cồn trên sông Hậu, ông Huỳnh Văn Sáu cho biết thêm, đô thị Cần Thơ sẽ phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại, đậm bản sắc vùng sông nước, mang tầm vóc đô thị lớn khu vực Đông Nam Á.

Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ được phân chia thành 10 vùng công năng kinh tế - xã hội để phát triển cân bằng, hài hòa giữa khu vực đô thị tập trung với khu vực các huyện nông thôn. Ông Sáu cho biết, sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cần Thơ sẽ lập quy hoạch chung theo quy định, trong đó sẽ cụ thể hóa các ý tưởng, tầm nhìn nhằm xác định lộ trình đầu tư xây dựng.

Tin cùng chuyên mục