Được giới đầu tư coi là một tài sản an toàn nên đồng Yên thường tăng giá mỗi khi thị trường tài chính biến động mạnh hoặc xuất hiện rủi ro lớn - Ảnh: Japan Times. |
Niềm tin của giới doanh nghiệp Nhật Bản đã lần đầu tiên suy giảm trong 2 năm, cho thấy đồng Yên mạnh đang gây tổn thất cho các công ty của nước này, bất chấp nền kinh tế duy trì đà phục hồi vững vàng.
Hãng tin Reuters dẫn kết quả cuộc khảo sát hàng quý do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện cho thấy chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất lớn ở nước này đã giảm 2 điểm trong quý 1/2018 còn 24 điểm, so với mức 25 điểm mà các nhà dự báo đưa ra trước đó.
Chỉ số này ở mức dương đồng nghĩa với việc số doanh nghiệp lạc quan nhiều hơn số doanh nghiệp bi quan, và ngược lại.
Ngoài đồng Yên tăng giá, nỗi lo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế hàng Trung Quốc cũng là một mối bận tâm của các công ty Nhật Bản vào thời điểm hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phi sản xuất của Nhật, chỉ số lạc quan cũng giảm 2 điểm trong quý 1, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 6 quý, còn dương 23 điểm, so với mức dự áo dương 24 điểm.
Các doanh nghiệp Nhật, thuộc cả ngành sản xuất và phi sản xuất, đều dự báo điều kiện kinh doanh sẽ xấu đi trong 3 tháng tới - kết quả khảo sát được BoJ công bố ngày 2/4 cho thấy.
Tháng 3 vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu đã rúng động khi ông Trump áp thuế hàng Trung Quốc và Bắc Kinh có động thái trả đũa. Tuy nhiên, nỗi lo về một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng đã lắng xuống phần nào khi thị trường hy vọng hai bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề.
Được giới đầu tư coi là một tài sản an toàn nên đồng Yên thường tăng giá mỗi khi thị trường tài chính biến động mạnh hoặc xuất hiện rủi ro lớn.
Hôm 26/3, đồng USD giảm giá xuống mức thấp nhất 16 tháng so với đồng Yên, dưới sức ép của nỗi lo chiến tranh thương mại. Vào thời điểm đó, 1 USD đổi chưa đầy 105 Yên, mức tỷ giá thấp nhất của USD so với Yên kể từ tháng 11/2016.
Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, đồng Yên đã giảm giá trở lại khi nỗi lo chiến tranh thương mại dịu đi. Ngày 2/4, tỷ giá USD/Yên ở mức hơn 106 Yên/USD.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo ngại đồng Yên mạnh và mâu thuẫn thương mại có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này. Mặc dù vậy, kinh tế Nhật vẫn đang giữ đà phục hồi nhờ nhu cầu vững của thị trường toàn cầu.
Tính đến quý 4/2017, kinh tế Nhật đã có 8 quý tăng trưởng liên tiếp, chuỗi quý tăng trưởng dài nhất kể từ giai đoạn kinh tế bong bóng 1980. Thành tựu này đưa kế hoạch chấn hưng tăng trưởng của Thủ tướng Shinzo Abe tiến gần hơn tới mục tiêu chấm dứt chuỗi thời gian trì trệ kéo dài hàng thập kỷ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Tuy vậy, tăng trưởng tiền lương chậm và việc các công ty không muốn tăng giá đã khiến tốc độ lạm phát ở Nhật khó đạt mục tiêu 2% mà BoJ đề ra.