Để phát triển đặc khu, thể chế cho đặc khu phải vượt qua quy định hiện hành, nhất là về hành chính. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) cuối tuần qua.
Vuột mất cơ hội nếu chậm chân
Lý giải về việc vì sao phải xây dựng những chính sách đặc biệt cho các ĐVHCKTĐB, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là cuộc chơi mới với những thể chế mới mà chúng ta chủ động tạo ra để cạnh tranh với quốc tế trong nguồn lực đầu tư hữu hạn của nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, hàng năm đầu tư quốc tế dịch chuyển với nhau chỉ có một lượng hữu hạn. Nhiều quốc gia từ lâu đã tạo ra các mô hình khác nhau để cạnh tranh thu hút nguồn lực này và hiện nay vẫn đang cạnh tranh hết sức khốc liệt. Trung Quốc thành công như vậy nhưng vẫn liên tục tạo ra các mô hình mới và đưa ra những thể chế mới, càng hấp dẫn hơn, càng tự do hơn để thu hút nguồn lực đầu tư này.
“Chúng ta đi sau thì phải rút được kinh nghiệm thành công, cũng như thất bại của các khu khác để phù hợp với điều kiện của nước ta, để thiết kế một thể chế vượt trội đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, nếu cơ chế chúng ta ban hành chậm, không hấp dẫn thì sự thành công sẽ giảm rất nhiều. Đây là cuộc cạnh tranh, làm sao phải giữ được những vấn đề cốt lõi là sự lãnh đạo của Đảng, chủ quyền quốc gia, quốc phòng an ninh, văn hóa, người dân, môi trường..., còn những cơ chế khác đều có thể trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Bộ trưởng cũng khẳng định, những ưu đãi của Luật này được thiết kế có trọng tâm, trọng điểm, ngành nghề nào khuyến khích mới ưu đãi, không đại trà, dàn trải.
Bộ trưởng Dũng cho rằng, đặc khu là mảnh đất ta chủ động tạo dựng lên để thu hút, đón nhận đầu tư. Nói về cơ chế, chính sách thì chúng ta phải biết được nhà đầu tư muốn gì, cần gì để đưa ra. Đó là cách tiếp cận mới chứ không đi theo cách cũ là ta có gì thì tung ra cái đó.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm rằng, Việt Nam đã đi hơi chậm, thế giới đã đi trước và nhiều mô hình đã thành công. Ông Hiểu nêu quan điểm thể chế cho đặc khu phải vượt qua quy định hiện hành, phải thật mạnh dạn tìm ra cơ chế, nhất là về hành chính.
Trưởng đặc khu cần được trao quyền thực sự
Liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại ĐVHCKTĐB, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận với phương án 1 trong Tờ trình của Chính phủ, cũng là phương án mà Chính phủ đang hướng đến. Đó là mô hình hành chính không tổ chức HĐND và UBND tại ĐVHCKTĐB, mà thực hiện thiết chế Trưởng ĐVHCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn ĐVHCKTĐB.
Đa số đại biểu cho rằng phương án này thể hiện được tính đặc biệt về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại ĐVHCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) lưu ý phải cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng ĐVHCKTĐB bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, quy định về giám sát quyền lực tại dự thảo Luật khiến Trưởng ĐVHCKTĐB quá vất vả. Trưởng ĐVHCKTĐB vừa bị giám sát bởi UBND, HĐND tỉnh và trên nữa là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Kiểm soát thế nào vừa đủ, cái gì cần, cái gì không”, đại biểu Thắng nói.
Làm rõ hơn nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính quyền địa phương phải đặc biệt, phải tạo thẩm quyền riêng một cách nhiều hơn, chủ động hơn gắn với trách nhiệm, gắn với cơ chế giám sát. Phương án 1 phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với mô hình mới, giao quyền chủ động, trách nhiệm và tự chủ cho người đứng đầu, gắn với đó là cơ chế giám sát.
Nói về trao quyền quá nhiều cho Trưởng ĐVHCKTĐB, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây thực chất là vấn đề trong Luật đã có tính đến để kiểm soát quyền lực, tránh việc lạm quyền. Dự thảo Luật đã đưa ra rất nhiều quy định để có thể giám sát, từ người dân, từ HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp trên đến Thủ tướng và các bộ, ngành. Như vậy, có 3 tầng nấc giám sát Trưởng đặc khu.
Một số ý kiến đề nghị dù mô hình tổ chức chính quyền địa phương ĐVHCKTĐB được quyết định theo phương án nào thì cũng cần làm rõ ngay trong Luật mối quan hệ theo chiều dọc, chiều ngang cũng như theo phạm vi lãnh thổ giữa chính quyền địa phương ĐVHCKTĐB với HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, với các cơ quan nhà nước ở Trung ương và cơ quan của Trung ương đóng tại địa phương; phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền địa phương ĐVHCKTĐB với các khu hành chính… Nếu giao thẩm quyền vượt trội cho ĐVHCKTĐB trong mọi lĩnh vực nhưng vẫn xác định là đơn vị trực thuộc cấp tỉnh thì ĐVHCKTĐB có phải thực hiện các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành hay không? Cơ chế về ngân sách, quyết toán ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý đất đai là thẩm quyền độc lập hay vẫn phải báo cáo các cơ quan cấp tỉnh... và nhiều vấn đề tương tự, cần phải được làm rõ trong Luật này.