Dow Jones “bay” hơn 600 điểm vì căng thẳng Nga-Ukraine leo thang trở lại, dầu hồi giá, Bitcoin lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số Dow Jones đã có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, xét theo cả số điểm tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm bị mất...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (17/2), khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine một lần nữa khiến nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro và chuyển vốn sang thị trường chứng khoán. Giá dầu thô cũng giảm, nhưng đã hồi so với mức đáy của phiên, trong khi giá tiền ảo Bitcoin cũng sụt mạnh về ngưỡng 40.000 USD.

Chỉ số Dow Jones đã có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, xét theo cả số điểm tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm bị mất. Lúc đóng cửa, Dow Jones trượt 622,24 điểm, tương đương giảm 1,8%, còn 34.312,03 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,1%, còn 4.380,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,9%, còn 13.716,72 điểm.

“Trong ngắn hạn, thị trường sẽ biến động theo những dấu hiệu phát đi từ phía Nga”, chiến lược gia trưởng Yung-Yu Na của BMO Wealth Management phát biểu. “Vấn đề tiêu cực này đang có một sức nặng rất lớn đối với thị trường”.

Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã chìm sâu trong sắc đỏ trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước, sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào. Đầu tuần này, chứng khoán Mỹ hồi phục sau khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bắt đầu rút bớt quân khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine.

Ngày thứ Năm, nỗi sợ hãi quay trở lại thị trường, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng khả năng Nga tấn công Ukraine là “rất cao”. Ông Biden nói với các nhà báo rằng một cuộc tấn công có thể xảy ra sau “mấy ngày nữa”.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc nói xung đột Nga-Ukraine đã đạt tới một “thời khắc quan trọng” và Nga đang tiến tới “một cuộc tấn công rõ rành rành”. Ukraine thì lên tiếng cáo buộc lực lượng ly khai thân Nga tấn công một ngôi làng gần biên giới giữa hai nước.

Quỹ ETF VanEck Russia chuyên các cổ phiếu Nga giảm khoảng 5% trong phiên này.

Bán tháo diễn ra trên diện rộng, mạnh nhất ở nhóm công nghệ trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500. Tiêu dùng thiết yếu – một nhóm cổ phiếu phòng thủ, thường có xu hướng ổn định bất chấp diễn biến thị trường ra sao – tăng 1%.

Dẫn đầu nhóm tiêu dùng thiết yếu là cổ phiếu hãng bán lẻ khổng lồ Walmart với mức tăng 4%, sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,84 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, chốt ở 92,97 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,9 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 91,76 USD/thùng.

“Thị trường dầu đang giằng co giữa hai yếu tố trái chiều. Một là căng thẳng Nga-Ukraine hỗ trợ giá dầu, và hai là cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran gây áp lực giảm giá lên dầu”, nhà môi giới Stephen Brennock thuộc PVM Oil nhận định.

Trong phiên ngày thứ Năm, có lúc giá hai loại dầu giảm gần 3% sau khi có những thông tin cho thấy Mỹ và Iran có thể sắp đạt một thoả thuận mới về chương trình hạt nhân của Tehran. Nếu có thoả thuận, Iran sẽ được dỡ trừng phạt và tăng mạnh xuất khẩu dầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết nước này “đang ở vào giai đoạn cuối cùng” của cuộcđàm phán gián tiếp với Iran. Đứng trước khả năng Mỹ-Iran sắp có thoả thuận, Hàn Quốc hôm thứ Tư tuyên bố đã tiến hành đàm phán để nối lại nhập khẩu dầu từ Iran. Trước đây, Hàn Quốc là một trong những nước châu Á nhập khẩu dầu Iran nhiều nhất.

Đang bị xem như một tài sản rủi ro, Bitcoin cũng bị nhà đầu tư bán mạnh. Giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com lúc hơn 7h sáng nay (18/2) theo giờ Việt Nam đứng ở 40.590 USD, giảm 7,6% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.

Trái lại, nhà đầu tư mua mạnh các tài sản an toàn, khiến giá vàng giao sau tại New York tăng hơn 1% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới ngưỡng chủ chốt 2% do giá trái phiếu đi lên.

Tin cùng chuyên mục