Dow Jones “bốc hơi” 700 điểm, giá dầu tăng, Bitcoin lao dốc mạnh

0:00 / 0:00
0:00
"Fed đang cố gắng để chống lại việc chỉ số giá tiêu dùng leo thang mạnh hơn kỳ vọng, nhưng rồi nhà đầu tư lại đang nhớ ra rằng sự cứng rắn này diễn ra đúng vào lúc nền kinh tế đang giảm tốc”...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ tụt khỏi mốc chủ chốt 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021 trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/5), khi nhà đầu tư lo rằng nỗ lực quyết liệt nhằm chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Giá Bitcoin giảm mạnh theo giá cổ phiếu, về gần mốc 20.000 USD, trong khi giá dầu tăng vì nỗi lo khan hiếm nguồn cung.

Hôm thứ Tư, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh sau khi Fed công bố đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994. Tuy nhiên, thành quả tăng đó đã bị đảo ngược một phần trong phiên ngày thứ Năm.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 741,46 điểm, tương đương giảm 2,42%, còn 29.927,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,25%, còn 3.666,77 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 4,08%, còn 10.646,1 điểm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020.

Cả ba chỉ số cùng giảm mạnh từ đầu tuần đến nay. S&P 500 đã mất 6%, trong khi Nasdaq trượt 6,1%. Dow Jones đã giảm 4,7% trong tuần và dang trên đà hoàn tất tuần giảm thứ 11 trong vòng 12 tuần trở lại đây.

Với phiên giảm này, cả S&P 500 và Nasdaq cùng trượt sâu hơn vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Hiện tại, cả hai chỉ số đã giảm tương ứng 24% và 34% so với đỉnh cao mọi thời đại, trong bối cảnh nỗi lo về lạm phát và sự giảm tốc của nền kinh tế đè nặng tâm trí nhà đầu tư. Dow Jones đã giảm 19% so với kỷ lục thiết lập vào hôm 1/5, đồng nghĩa cũng đang ngấp nghé thị trường “gấu”.

“Tâm lý của nhà đầu tư dường như chỉ tập trung vào được một thứ ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia Susan Schmidt của Aviva Investors nói với hãng tin CNBC. “Ngày hôm qua, Fed có động thái đúng như dự báo. Fed đang cố gắng để chống lại việc chỉ số giá tiêu dùng leo thang mạnh hơn kỳ vọng, nhưng rồi nhà đầu tư lại đang nhớ ra rằng sự cứng rắn này diễn ra đúng vào lúc nền kinh tế đang giảm tốc”.

Phiên ngày thứ Năm đánh dấu lần đầu tiên Dow Jones giảm dưới mốc 30.000 điểm kể từ tháng 1/2021. Chỉ số đã vượt trên ngưỡng chủ chốt này từ tháng 11/2020, khi chính sách tiền tệ và tài khoá siêu nới lỏng của Mỹ đưa thị trường tăng bùng nổ, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ, và đưa các chỉ số liên tiếp lập kỷ lục.

Việc vượt mốc 30.000 điểm ở thời điểm đó đưa Dow Jones lên cao hơn 60% so với mức đáy trong thời gian đại dịch. 30.000 điểm không hẳn là một mốc kỹ thuật đối với Dow Jones, nhưng được giới đầu tư ở Phố Wall xem là một trong những mốc tâm lý chủ chốt đối với thị trường.

Dữ liệu công bố ngày thứ Năm tiếp tục phản ánh sự giảm tốc nhanh chóng của các hoạt động kinh tế ở Mỹ. Số nhà mới khởi công giảm 14% trong tháng 5, sâu hơn nhiều so với mức giảm 2,6% mà giới phân tích dự báo. Chỉ số Philadelphia Fed Business Index tháng 6 tụt về mức âm 3,3 điểm, đánh dấu sự co cụm đầu tiên kể từ tháng 5/2000.

Loạt cổ phiếu lớn gồm Home Depot, Intel, Walgreens, JPMorgan, 3M, và American Express chạm đáy mới của 52 tuần do nỗi lo suy thoái gia tăng. Cổ phiếu công nghệ cũng lao dốc trở lại, dù tăng mạnh trong phiên trước. Amazon, Apple và Netflix cùng giảm gần 4% mỗi chỉ số. Tesla và Nvidia giảm tương ứng 8,5% và 5,6%.

Các cổ phiếu liên quan đến du lịch và đi lại không nằm ngoài xu hướng bán tháo. Hai hãng hàng không United và Delta giảm tương ứng 8,2% và 7,5%.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều giảm điểm phiên này, dẫn đầu là nhóm tiêu dùng không thiết yếu và năng lượng, mỗi nhóm giảm 5%. Trong Dow Jones, chỉ có 4 cổ phiếu chốt phiên trong sắc xanh.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay - Nguồn: TradingView.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay - Nguồn: TradingView.

“Fed đang có một công việc rất khó để làm, và tôi cho rằng nhà đầu tư và thị trường nói chung đang mất đi nhiều niềm tin rằng Fed có thể làm được việc đó”, chiến lược gia Ryan Detrick của LPL Financial phát biểu. “Sự thật là Fed có thể đã chậm so với lạm phát. Họ lẽ ra đã phải tăng lãi suất mạnh hơn và sớm hơn, chẳng hạn bắt đầu từ cuối năm ngoái. Thị trường đang nhận thấy sự chậm trễ của Fed”.

Chuyên gia Mohamed El-Erian của Allianz đưa ra quan điểm tương tự. Ông nói rằng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bị chậm trong cuộc chiến chống lạm phát và đang “bừng tỉnh”. “Đây là câu chuyện về thời điểm chúng ta cần ra khỏi thế giới giả tạo của những đợt bơm thanh khoản khổng lồ, nơi mọi người đã quen với lãi suất bằng 0, nơi chúng ta làm những việc ngớ ngẩn như đầu tư vào những thứ lẽ ra không nên đầu tư hay đầu tư vào nền kinh tế theo những cách thức chẳng hề phù hợp”, ông El-Erian nói.

“Chúng ta đang thoát khỏi điều đó, và đây là một chặng đường gập ghềnh”.

Hôm thứ Tư, thị trường đã phản ứng tích cực với việc Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và triển vọng có thêm những đợt nâng tương tự. Cả Dow Jones và S&P 500 cùng chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, chốt phiên ngày thứ Tư trong trạng thái “xanh rực”. Tâm lý nhà đầu tư lại chuyển xấu trong phiên ngày thứ Năm, khi nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đưa ra động thái chính sách tiền tệ cứng rắn hơn và nhà đầu tư trở lại với nỗi lo liệu Fed có thể đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” hay không.

Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) ngày 16/5 có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 15 năm. Theo dự kiến, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 17/6 sẽ có đợt nâng lãi suất thứ 5 liên tiếp.

Khi giá cổ phiếu giảm mạnh, giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, khiến lợi suất giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ về 3,24%. Đầu tuần, lợi suất này vượt 3,48%, cao nhất 11 năm.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,3 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 119,81 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 2,27 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 117,58 USD/thùng.

Dầu tăng giá khi nỗi lo thiếu cung dầu bị đẩy cao hơn, sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran.

Tiền ảo đang bị bán tháo cùng các tài sản rủi ro như cổ phiếu, khiến tổng vốn hoá thị trường tuột mốc 900 tỷ USD. Lúc hơn 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, vốn hoá tiền ảo toàn cầu còn 889,8 tỷ USD, giảm hơn 8% so với cách đó 24 tiếng.

Giá Bitcoin cùng thời điểm giảm gần 10%, còn 20.360 USD. Trong vòng 1 tuần, giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đã giảm 32%.

Diễn biến giá tiền ảo Bitcoin từ đầu năm. Đơn vị: USD/Bitcoin.

Diễn biến giá tiền ảo Bitcoin từ đầu năm. Đơn vị: USD/Bitcoin.

Tin cùng chuyên mục