Ảnh Internet |
Dự án Cầu, đường Bình Triệu 2 được Chính phủ duyệt dự án khả thi từ năm 2000 với tổng mức đầu tư là 341 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2001 do Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Năm 2002, do UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh Dự án Mở rộng Quốc lộ 13 (từ ga Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, quận Thủ Đức) từ 32m lên 53m nên số vốn đầu tư cho Dự án đã tăng từ 341 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Số vốn này vượt quá khả năng của Cienco 5, nên sau khi xây dựng xong cầu Bình Triệu 2, nhà đầu tư này đã rút khỏi Dự án.
Quyết tâm thực hiện trọn vẹn Dự án, đầu năm 2006, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã được UBND Thành phố lựa chọn làm nhà đầu tư mới của Dự án. Giai đoạn do CII thực hiện, để đảm bảo an toàn giao thông qua cầu Bình Triệu 1 đang bị xuống cấp, UBND Thành phố đã cho phép CII thực hiện đầu tư trước phần 1 của Dự án bằng hợp đồng BOT. Theo đó, CII đã hoàn thành việc đầu tư phần 1 giai đoạn 2 của Dự án, đã tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư tại Trạm thu phí giao thông cầu Bình Triệu 2 (từ ngày 1/7/2009) và cầu Bình Triệu 1 (từ ngày 1/8/2013).
Gần đây nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có văn bản gửi UBND Thành phố báo cáo về cơ chế triển khai Dự án BOT Cầu, đường Bình Triệu 2. Theo đó, Dự án bao gồm 5 tiểu dự án: Tiểu dự án 1: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức. Tiểu dự án 2: Hoàn trả chi phí đầu tư toàn bộ các hạng mục mà Cienco 5 đã triển khai thực hiện trước đây và nâng cấp mở rộng các tuyến đường quanh Bến xe Miền Đông. Tiểu dự án 3: Sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu cũ. Tiểu dự án 4: Mở rộng đường Nguyễn Xí (từ cầu Đỏ đến nút giao thông ngã năm Đài Liệt sĩ và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài Liệt sĩ, quận Bình Thạnh). Tiểu dự án 5: Nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm đoạn từ ngã năm Đài Liệt sĩ đến Tân Cảng, quận Bình Thạnh.
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, vì nhiều lý do, trong đó có vướng mắc về tiền bồi thường nên nhà đầu tư đã không thể cùng lúc thực hiện 5 tiểu dự án. Sở KH&ĐT đã kiến nghị UBND Thành phố cho phép ứng một phần tiền bồi thường Tiểu dự án 6, 7 và thực hiện trước hạng mục cầu Ông Dầu trên Quốc lộ 13 để giải quyết tình trạng ùn tắc. “Cách làm này khá linh hoạt, sẽ tạo điều kiện trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số tiểu dự án”, Sở KH&ĐT TP.HCM đánh giá.