Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới: Doanh thu 3 tháng đạt 12,5%, nhà đầu tư kêu cứu

(BĐT) - Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc vừa có văn bản báo cáo tình hình thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, đồng thời “kêu cứu” tới Bộ GTVT, các cơ quan ban, ngành Trung ương và địa phương bởi doanh thu thực tế sau 3 tháng chỉ bằng 12,5% so với phương án tài chính, đẩy nhà đầu tư đến bờ vực phá sản.
Với việc chỉ thực hiện thu giá 1 trạm trên tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới chắc chắn phá vỡ phương án tài chính của dự án
Với việc chỉ thực hiện thu giá 1 trạm trên tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới chắc chắn phá vỡ phương án tài chính của dự án

Doanh thu chỉ bằng 12,5% phương án tài chính

Liên danh nhà đầu tư cho biết, Dự án hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác từ ngày 18/5/2017, được Bộ GTVT cho phép thu giá từ ngày 21/1/2018. Đến nay, sau 3 tháng thực hiện chỉ thu giá dịch vụ đường bộ tại 1 trạm Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới, an ninh trật tự luôn được đảm bảo; không xảy ra ùn tắc giao thông… Tuy nhiên, thực tế tổng số tiền thu giá sau 3 tháng tròn chỉ được 6.687 triệu đồng, trung bình mỗi ngày chỉ thu được 74,3 triệu đồng, trong khi theo phương án tài chính hợp đồng (với 2 trạm thu giá) thì mỗi ngày trung bình thu được 594,5 triệu đồng. Tiền thu giá trung bình 1 ngày thực tế chỉ bằng 12,5% so với phương án tài chính. Trong khi đó, các khoản chi của doanh nghiệp dự án kể từ ngày công trình trên đưa vào khai thác (18/5/2017) đến ngày 25/4/2018 là 219.225 triệu đồng. Con số chênh lệch lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc, việc chỉ triển khai thu giá tại 1 trạm thu giá trên tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới đã làm cho dự án không phát huy được hiệu quả theo mục tiêu ban đầu, dẫn đến các phương tiện chủ yếu tập trung đi vào tuyến QL3 làm cho lưu lượng xe trên tuyến tăng đột biến so với thời điểm chưa thu giá chính thức, thường xuyên gây ùn tắc cục bộ trên tuyến Quốc lộ 3.

Với việc chỉ thực hiện thu giá 1 trạm trên tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới chắc chắn phá vỡ phương án tài chính của Dự án do nguồn thu thực tế quá ít so với dự kiến. Điều này làm cho doanh nghiệp dự án gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ cho ngân hàng cung cấp tín dụng cũng như khả năng duy trì dự án hoạt động bình thường, nguy cơ doanh nghiệp dự án không còn khả năng thanh toán, dẫn đến phá sản là hiện hữu.

 Khó khăn làm nản lòng nhà đầu tư?

Thời gian qua, do hình thức đầu tư BOT bộc lộ một số khiếm khuyết, bất cập nên không ít dự án BOT giao thông chịu nhiều “búa rìu” của dư luận xã hội. Và có một thực trạng mà các chuyên gia quan ngại rằng, liệu sau nhiều “sóng gió”, các nhà đầu tư có quay lưng, có còn “mặn mà” với hình thức đầu tư BOT.

Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, những đóng góp của hình thức đầu tư BOT thời gian qua đối với phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vì thế, trong đánh giá hình thức đầu tư này, cần cái nhìn đa chiều, tổng thể và công bằng hơn, không vì những khuyết tật mà loại bỏ hình thức đầu tư BOT, phủ nhận toàn bộ những ưu điểm, những đóng góp của các dự án BOT với sự phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia cầu đường cho biết, ở Việt Nam, trong các hợp đồng BOT vẫn chưa có sự bình đẳng giữa các bên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn dùng “quyền anh”, “quyền bề trên” để can thiệp thô bạo vào các câu chuyện “bếp núc” của nhà đầu tư, tự ý điều chỉnh trách nhiệm và nghĩa vụ bản thân theo ý kiến chủ quan mà thiếu sự bàn bạc, thống nhất với nhà đầu tư. Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh từng nhấn mạnh rằng, “các cơ quan quản lý nhà nước nên đặt mình vào địa vị của nhà đầu tư để hiểu họ”.

Thực tế thời gian qua cho thấy, không chỉ có Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc mà một số nhà đầu tư ở các dự án BOT giao thông khác cũng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do không nhận được cơ chế chia sẻ rủi ro cần thiết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Một số chuyên gia đầu tư cho rằng, đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần có hồi chuông thức tỉnh, nâng cao trách nhiệm của mình với nhà đầu tư trước khi các nhà đầu tư quay lưng lại với BOT – một hướng đi đúng đắn, tất yếu để thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Để Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới không bị phá sản, Liên danh nhà đầu tư Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đề nghị Bộ GTVT xem xét, giải quyết theo 2 phương án. Phương án 1 là Bộ GTVT có giải pháp cho phép Nhà đầu tư được thu thêm giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Km77+922,5 Quốc lộ 3 như thỏa thuận tại hợp đồng dự án đã ký với thời gian thu giá dự kiến khoảng 17 năm 4 tháng. Phương án 2 là Nhà nước trưng mua lại Dự án với giá trị khoảng 2.775 tỷ đồng (bao gồm tổng chi phí đầu tư thực tế, lãi vay trả cho Ngân hàng và lợi nhuận của Nhà đầu tư sau thời gian xây dựng...), dự kiến chi trả 1 lần vào tháng 1/2019.

Tin cùng chuyên mục