Dự án BT gần 10.000 tỷ chống ngập TP.HCM: Vượt “đèn đỏ” ở gói thầu thiết bị cơ khí

(BĐT) - Việc Trung Nam Group thay đổi vật liệu thi công tại một số hạng mục của gói thầu thiết bị cơ khí diễn ra như thế nào? Tại sao tư vấn giám sát hợp đồng lại bảo lưu quan điểm chưa thể giải ngân cho những hạng mục này? TP.HCM sẽ làm gì để thúc tiến độ dự án vốn đang gặp nhiều vấn đề này?
Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM đã tạm dừng thi công cách đây hơn 3 tháng. Ảnh: Minh Quân
Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM đã tạm dừng thi công cách đây hơn 3 tháng. Ảnh: Minh Quân

Thay đổi vật liệu khác tiêu chuẩn

Theo thông tin từ đại diện tư vấn giám sát hợp đồng, qua kiểm tra các cống Cây Khô, Phú Xuân, Mương Chuối… của dự án ngăn triều chống ngập do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) làm nhà đầu tư, phát hiện có nhiều thay đổi so với thiết kế ban đầu.

Cụ thể, Gói thầu Cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô theo thiết kế sử dụng vật liệu chế tạo hai cửa van là thép không gỉ SUS 304 (tiêu chuẩn Nhật Bản) và thép S355 (tiêu chuẩn châu Âu). Tuy nhiên, thực tế kiểm tra từ tư vấn giám sát hợp đồng cho thấy, tại hai cống ngăn triều này, Trung Nam Group thi công sử dụng thép Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc).

Việc áp dụng tiêu chuẩn thép Trung Quốc làm van cống ngăn triều không có trong danh mục tiêu chuẩn được phê duyệt của UBND TP.HCM. Theo hợp đồng, thép chế tạo cửa van phải là loại S355 sản xuất từ các nước tiên tiến thuộc nhóm G7. Tư vấn giám sát hợp đồng đã nhiều lần yêu cầu Nhà đầu tư tuân thủ đúng hợp đồng đã ký. Nghĩa là, Nhà đầu tư muốn thay đổi vật liệu phải có báo cáo và được sự chấp thuận, phê duyệt từ UBND TP.HCM.

Bên cạnh đó, ở Gói thầu Thi công xây dựng cống kiểm soát triều Mương Chuối, Nhà đầu tư cũng thực hiện nhiều thay đổi giữa bản vẽ thiết kế và thực tế thi công tại công trường trong hồ sơ đề nghị thanh toán. Việc thay đổi trên vẫn chưa được UBND Thành phố phê duyệt. 

Cầm đèn chạy trước ô tô?

Trung Nam Group cho biết, việc thay đổi vật liệu thi công các hạng mục trên đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đồng ý, thống nhất sử dụng.  Điều đáng nói là, dù thay đổi tiêu chuẩn vật liệu theo hướng thấp đi, nhưng theo đơn vị tư vấn giám sát, đơn giá của vật liệu này lại cao hơn rất nhiều.

Tư vấn giám sát khẳng định, đối với dự án chống ngập có quy mô lớn như vậy, thẩm quyền cho phép thay đổi vật tư, vật liệu thi công phải thuộc về người ký quyết định đầu tư - UBND TP.HCM. Lý lẽ mà Trung Nam Group đưa ra cũng như cách “bật đèn” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM là không đúng quy định cũng như thẩm quyền quyết định. Lập luận này nhận được nhiều sự đồng thuận của các nhà thầu trong lĩnh vực thi công cấp thoát nước tại TP.HCM.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM  Trần Vĩnh Tuyến vừa tiếp tục giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu ý kiến của tư vấn giám sát. Đồng thời, rà soát quy định của Luật Xây dựng và hướng dẫn của Bộ Xây dựng về thủ tục thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép so với thiết kế đã được duyệt; tham mưu, đề xuất UBND Thành phố giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Cả Nhà đầu tư lẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dường như đang đặt Thành phố vào thế sự đã rồi.

Theo tính toán của Trung Nam Group, đến ngày 31/7/2018, Dự án đã thi công đạt 72% khối lượng. Tư vấn giám sát hợp đồng đã xác nhận giải ngân 3.483 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 3.232 tỷ đồng (tương đương 46,5%). Thực tế, dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng này đã tạm dừng thi công cách đây hơn 3 tháng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Sài Gòn đã dừng giải ngân cho Dự án và UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Điều này phần nào liên quan trực tiếp đến ý kiến của tư vấn giám sát cho rằng, chưa đủ cơ sở để giải ngân cho gói thầu cơ khí cửa van cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô bởi những thay đổi về vật liệu nêu trên.

Bên cạnh đó, tổng thể Dự án chỉ còn khoảng 30% khối lượng công việc nhưng nguy cơ bị trễ hẹn là rất cao do một số quận, huyện chưa bàn giao mặt bằng để Nhà đầu tư thi công. Tiến độ dự án chống ngập này đang bị treo lơ lửng, trong khi dư luận lại đang chờ kết luận chính thức của Đoàn kiểm tra đánh giá Dự án do TP.HCM mới thành lập.