Dự án đường Vành đai phía Tây 1 và 2 tại Đà Nẵng: Hệ lụy từ việc chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quá thời hạn hợp đồng thi công 2 năm, hai dự án đường Vành đai phía Tây 1 và Vành đai phía Tây 2 của Đà Nẵng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước và nguồn vay từ Quỹ Phát triển quốc tế OPEC vẫn chưa thể hoàn thành, đưa vào khai thác. Việc chậm tiến độ dẫn đến năng lực nhà thầu suy giảm và dự án vượt quá hiệp định vay vốn quốc tế...
Phần việc dang dở tại tuyến Vành đai phía Tây 1 đang được Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công, phấn đấu hoàn thành mặt bằng tuyến chính sớm nhất có thể. Ảnh: Hà Minh
Phần việc dang dở tại tuyến Vành đai phía Tây 1 đang được Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công, phấn đấu hoàn thành mặt bằng tuyến chính sớm nhất có thể. Ảnh: Hà Minh

Tại Dự án đường Vành đai phía Tây 1, nhà thầu liên danh với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Nhà thầu Trường Sơn) là Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) bị chấm dứt hợp đồng giữa chừng nên khối lượng công việc và số nợ gần 46 tỷ đồng của Cienco 1 để lại đã đặt lên vai Nhà thầu Trường Sơn. Trong khi đó, tại Dự án đường Vành đai phía Tây 2, tiến độ thi công gói thầu “trượt” quá thời hạn của hiệp định vay, nên dù đã có khối lượng công việc hoàn thành (gần 100 tỷ đồng) nhưng Nhà thầu Trường Sơn cũng chưa được thanh toán.

“Theo tỷ lệ liên danh trong hợp đồng với Chủ đầu tư, khối lượng công việc phía Cienco 1 là 52%, Trường Sơn là 48%, nhưng giờ dồn hết lại cho Trường Sơn. Chúng tôi đang phải bóc phần nền đường mà Cienco 1 đã thi công lên để làm lại do đất đắp nền không đúng quy chuẩn”, đại diện Nhà thầu Trường Sơn (Công ty CP Trường Sơn 532) cho biết.

Bên cạnh đó, Nhà thầu Trường Sơn đang gánh khoản nợ gần 46 tỷ đồng của Cienco 1, thiệt hại về kinh tế đối với Nhà thầu Trường Sơn tại dự án này là rất lớn. “Công ty đang nỗ lực cân đối tài chính, đặt ra các mốc tiến độ để hoàn thành công trình. Trong khi đó, phía Cienco 1 đến nay vẫn chưa có chế tài nào xử lý”, đại diện Nhà thầu Trường Sơn than thở.

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông Đà Nẵng (Chủ đầu tư tuyến Vành đai phía Tây 1) cho biết, do thời gian thi công thực tế kéo dài nên năng lực tài chính của nhà thầu bị suy giảm, dẫn đến không đủ chi phí giải ngân đầy đủ và kịp thời cho các đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu và nhân công. Có một số thời điểm các đơn vị, tổ đội thi công của Cienco 1 cản trở Nhà thầu Trường Sơn thi công vì chưa nhận được toàn bộ tiền thanh toán từ Cienco 1 đối với vật tư, thiết bị, nhân công đã thực hiện nên Chủ đầu tư phải đi dàn xếp mất cả nửa năm. “Hiện nay, Nhà thầu Trường Sơn đang nỗ lực, tập trung nhân lực, vật lực để triển khai thi công công trình theo tiến độ yêu cầu của UBND thành phố Đà Nẵng hoàn thành tuyến chính trước 30/9/2023”, ông Huy cho biết thêm.

Trái ngược với việc “gánh” khoản nợ của Cienco 1 tại tuyến Vành đai phía Tây 1, tại tuyến Vành đai phía Tây 2, Nhà thầu Trường Sơn lại đang là chủ nợ của Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng (Chủ đầu tư). Dự án Vành đai phía Tây 2 theo thiết kế ban đầu có chiều dài 14 km, tổng vốn 1.427 tỷ đồng từ vốn vay của Quỹ Phát triển quốc tế OPEC, thời hạn hợp đồng từ 2020 - 2022. Tuy nhiên, tại khu vực Dự án mới chi đền bù, giải tỏa 50 hồ sơ, đến nay đang dừng thực hiện do kinh phí giải phóng mặt bằng tăng lên nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu, địa phương không đủ nguồn vốn đối ứng.

Chính vì vậy, trên 14 km, Dự án mới thi công được 4 km. Đoạn tuyến này đã thông xe kĩ thuật ngày 30/4/2023 (chưa khánh thành vì chưa đủ điều kiện an toàn giao thông). Đại diện Nhà thầu Trường Sơn cho biết, khối lượng công việc cần thanh quyết toán khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hiệp định vay hết hạn từ tháng 12/2022 nên thủ tục thanh toán đang bị “bó cứng”.

Để chi trả chi phí cho Nhà thầu, Chủ đầu tư đã kiến nghị TP. Đà Nẵng cho gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến hết 31/12/2023; cho phép thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành được nghiệm thu (sau ngày 1/1/2023) để thu hồi tạm ứng và trả nợ cho Nhà thầu; cho phép áp dụng phương thức bù trừ tiền nộp trả tạm ứng từ nguồn vốn nước ngoài để thanh toán khối lượng Nhà thầu đã hoàn thành theo các đợt. Hiện lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải (GTVT); Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo Sở GTVT Đà Nẵng, đối với dự án này, Sở đã có công văn báo cáo Thành phố thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Dự án. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh cần nhiều thời gian do làm việc với các bộ và Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục