Dự án ngành Giao thông vận tải: Nhiều nút thắt trong giải ngân

(BĐT) - Năm 2016 được xem là năm “mất mùa” giải ngân của ngành giao thông vận tải (GTVT). Bộ GTVT vừa chỉ ra hàng loạt nguyên nhân chủ quan của tình trạng này.
Đến hết tháng 12/2016, tổng nguồn vốn NSNN và trái phiếu chính phủ toàn ngành GTVT giải ngân được 33.387 tỷ đồng, đạt 75,2% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Đến hết tháng 12/2016, tổng nguồn vốn NSNN và trái phiếu chính phủ toàn ngành GTVT giải ngân được 33.387 tỷ đồng, đạt 75,2% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Lỏng lẻo trong quản lý tổng mức đầu tư

Theo tổng kết của Bộ GTVT, đến hết tháng 12, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu chính phủ (TPCP) toàn ngành GTVT đã giải ngân được 33.387 tỷ đồng, đạt 75,2% kế hoạch (theo kế hoạch năm 2016 là 44.366 tỷ đồng). Dự kiến, đến hết tháng 1/2017, ngành GTVT sẽ giải ngân được 39.363 tỷ đồng, đạt 88,7% kế hoạch. Tuy nhiên, đối với phần vốn kế hoạch 2015 kéo dài hiện vẫn chưa thực hiện hết do còn đang làm các thủ tục điều hòa vốn dư của các dự án vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 và bổ sung giai đoạn 2014 - 2016.

Nhìn lại kết quả giải ngân kế hoạch năm 2016, Bộ GTVT cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do các dự án sử dụng TPCP ở vào năm cuối của kế hoạch vốn giai đoạn nên đã được giao mức vốn kế hoạch cao hơn so với nhu cầu sử dụng thực tế, thì còn có nhiều nguyên nhân chủ quan khiến kết quả giải ngân kế hoạch vốn TPCP năm 2016 đạt thấp. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do các chủ đầu tư, Ban QLDA chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư của các dự án, dẫn tới việc lập kế hoạch giải ngân không sát với thực tế; lúng túng, thiếu chủ động trong việc việc xác định vốn dư trong quá trình thực hiện dự án.

Bộ GTVT cho biết, ngay từ giữa năm 2015 đã có nhiều văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA rà soát, xác định số vốn không còn nhu cầu sử dụng của các dự án sử dụng vốn TPCP. Đầu năm 2016, qua rà soát lại tiếp tục xác định các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư vốn (dư lần 2) và đến cuối năm 2016, nhiều chủ đầu tư, Ban QLDA tiếp tục báo cáo có dư vốn sau khi thực hiện các dự án khiến cho việc điều hành kế hoạch của Bộ GTVT gặp rất nhiều khó khăn. 

Lúng túng trong xử lý thủ tục phát sinh

Trong năm 2016, ngành GTVT đã hoàn thành 57 công trình, dự án để đưa vào khai thác; hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai thi công 18 công trình, dự án. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, trong năm 2016, việc xử lý các thủ tục phát sinh trong quá trình thực hiện dự án của các chủ đầu tư vẫn thiếu sát sao, tốn rất nhiều thời gian nhưng không giải quyết được dứt điểm. Cụ thể là việc xử lý đền bù lún nứt nhà dân trong quá trình thi công, chủ trương đầu tư các công trình hoàn trả, phê duyệt dự toán các khối lượng phát sinh, xử lý trượt giá ở các dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Bên cạnh đó, việc theo dõi, xử lý biến động về giá cả nguyên, vật liệu ở Dự án Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu; phê duyệt lại phương án tài chính Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả... cũng bị kéo dài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kết quả giải ngân kế hoạch ngành GTVT đạt thấp.

Ngoài ra, công tác phê duyệt kết quả thanh toán cuối cùng, quyết toán các dự án cũng còn chậm trễ.

Theo Bộ GTVT, do tỷ lệ giải ngân nguồn vốn TPCP trong năm 2016 không đạt so với kế hoạch được giao nên để phù hợp với thực tế, Bộ đã đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn TPCP năm 2016. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã nghiêm túc kiểm điểm, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA quyết liệt đẩy nhanh giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP và rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch cũng như phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT để bảo đảm nguồn vốn được giao hàng năm được kịp thời và phù hợp với yêu cầu thực tế.