Nhà ga hành khách T3 dự kiến có công suất 20 triệu hành khách/năm, giúp giảm tải cho 2 nhà ga hiện hữu của Sân bay Tân Sơn Nhất |
Bộ này đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư và đến thời điểm này, doanh nghiệp đã cân đối đủ vốn. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã cho ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.
Tháng 3/2019, Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, trong đó đưa ra 4 phương án thực hiện đầu tư gồm: phương án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; phương án thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; phương án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; phương án giao ACV đầu tư.
Phân tích ưu, nhược điểm của các phương án trên, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án giao ACV đầu tư. Lý do: đây là doanh nghiệp nhà nước được giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nội dung chính của phương án được Bộ GTVT đề xuất là: nhà ga hành khách T3 có quy mô công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 100.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m2, các hạng mục phụ trợ, nhà xe cao tầng và khu dịch vụ, giao thông kết nối các nhà ga hành khách hiện hữu và nhà ga hành khách T3. Nhu cầu sử dụng đất là 16,05 ha (đất quốc phòng), tổng mức đầu tư là 11.430 tỷ đồng.
Hiện ACV đã cân đối đủ vốn để triển khai xây dựng nhà ga hành khách T3. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai ngay Dự án với thời gian thực hiện dự kiến là 37 tháng.
Cho ý kiến về phương án đầu tư của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 quy định: “Thẩm quyền lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công”. Mặt khác, theo quy định của Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng và kinh doanh cảng hàng không có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên.
Theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ dự án tại Sở KH&ĐT TP.HCM để gửi hồ sơ xin ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến dự án đầu tư.
Trên cơ sở đó, Sở KH&ĐT TP.HCM trình UBND TP.HCM xem xét, có ý kiến thẩm định gửi Bộ KH&ĐT tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bộ KH&ĐT đề nghị, Bộ GTVT yêu cầu ACV nghiên cứu thực hiện theo quy định nêu trên.
ACV là doanh nghiệp (DN) do Nhà nước giữ cổ phần chi phối (95,4% vốn điều lệ), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo quy định, người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV sẽ phải xin ý kiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN về việc thực hiện Dự án. Ủy ban chịu trách nhiệm về hiệu quả trong sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại DN khi ACV thực hiện Dự án. Đồng thời, Ủy ban chịu trách nhiệm đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước và cho DN khi ACV thực hiện đầu tư.
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc lựa chọn hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công và pháp luật có liên quan.