Quyết định đầu tư mới của UBND tỉnh Thanh Hóa khiến Nhà máy Nước Bình Minh đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: Nguyễn Minh |
Chỉ một sự thay đổi về chính sách có thể tác động rất lớn đến sự thành bại của dự án, có thể khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ phá sản. Trong những dự án này, hợp đồng chính là chìa khóa để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong vòng đời dự án và nhà đầu tư nên chú trọng khi quyết định “đi đường dài”.
Chính sách bất nhất khiến nhà đầu tư có nguy cơ vỡ nợ
Câu chuyện nhà đầu tư “tiên phong” xây dựng nhà máy cấp nước cho Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, Thanh Hóa đang đối diện nguy cơ phá sản vì chính sách đầu tư bất nhất của tỉnh này có thể là một ví dụ cho rủi ro pháp lý mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi tham gia các dự án hạ tầng có thời hạn dài.
Cách đây 10 năm, Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (Công ty Bình Minh) đã đầu tư vào Thanh Hóa với việc xây dựng Nhà máy Nước đặt tại hồ Đồng Chùa, xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia để cung cấp nước cho KKT Nghi Sơn. Khi đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cam kết đầu tư hợp phần dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa để đáp ứng nhu cầu nước thô cho Nhà máy Nước của Công ty Bình Minh.
Thế nhưng, tháng 6 vừa qua, tức là chưa đầy 10 năm sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Bình Minh, 5 năm sau khi Nhà máy Nước Bình Minh đi vào vận hành, một quyết định đầu tư mới của UBND tỉnh Thanh Hóa đã khiến Nhà máy Nước của Công ty Bình Minh đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo ông Tào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Bình Minh, tỉnh Thanh Hóa thay vì tập trung đầu tư đường ống dẫn nước thô 90.000 m3/ngày đêm về hồ Đồng Chùa theo cam kết, lại quyết định đầu tư đường dẫn nước thô về hồ Quế Sơn để phục vụ cho mục đích xây dựng một nhà máy nước khác cách Nhà máy Nước của Công ty Bình Minh chỉ 4 km.
Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban Ban Quản lý KKT Nghi Sơn lập luận, việc đầu tư nhà máy nước mới là để cung cấp đủ nước cho Nhà máy Lọc hóa dầu (LHD) Nghi Sơn. Thế nhưng, nhà đầu tư thứ nhất lại cho rằng, lý do này không thuyết phục, vì nếu được cung cấp đủ nước thô, thì lượng nước sản xuất của Nhà máy Nước Bình Minh hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của Nhà máy LHD Nghi Sơn, thậm chí còn dư thừa.
Ông Tào Quốc Tuấn bức xúc, quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa là bất chấp quy luật kinh tế, không tôn trọng và bảo hộ lợi ích của nhà đầu tư từ trước; đồng thời có thể dẫn đến khủng hoảng thừa nước, cạnh tranh không lành mạnh giữa hai nhà đầu tư.
Dù tỉnh Thanh Hóa cam kết là đảm bảo cả hai nhà máy đều tiêu thụ được nước sản xuất ra, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cả nhà đầu tư trước và nhà đầu tư sau, thế nhưng, thật khó để nhà đầu tư có thể tin một lần nữa, khi các cam kết lần đầu cũng chỉ thực hiện nửa chừng.
Hợp đồng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư
Theo một chuyên gia về PPP của Bộ KH&ĐT, cơ sở pháp lý quan trọng nhất để phân định rõ quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp này nói riêng, trong các dự án hạ tầng có sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân nói chung, là các cam kết trong hợp đồng.
Ông Tào Quốc Tuấn cho biết, Dự án Nhà máy Nước của Công ty Bình Minh thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) với thời hạn dự án kéo dài 50 năm. Tuy nhiên, không có một bản hợp đồng nào được ký kết cho nhà máy nước này giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Công ty Bình Minh khi đó, mà chỉ có một thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý KKT Nghi Sơn cấp.
Theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP, BOO là một trong những hình thức hợp đồng của mô hình đầu tư PPP. Chuyên gia quốc tế về PPP, TS. Ned White chia sẻ kinh nghiệm quốc tế là, trong rất nhiều rủi ro liên quan đến dự án có sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, rủi ro về môi trường pháp luật, chính sách là rất dễ gặp phải. Đó có thể là luật hoặc quy định mới thông qua làm tăng chi phí hoặc giảm nguồn thu mà không có đền bù thỏa đáng, từ đó có thể giảm lợi nhuận cho chủ dự án, giảm uy tín trả nợ và tỷ lệ trả nợ cho bên cho vay.
Vì thế, yếu tố quan trọng là phải xây dựng được hợp đồng chi tiết, nhận diện được càng nhiều rủi ro phát sinh và có cơ chế chia sẻ, ứng phó khi có rủi ro. Ví dụ như hợp đồng quy định rõ, nếu nhà nước có chính sách mới làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư thì phải đền bù…
Tình cảnh mà Công ty Bình Minh đang đối diện chỉ là một ví dụ, một bài học cho nhà đầu tư khi tham gia các dự án hạ tầng có thời hạn dài. Nếu như có hợp đồng và hợp đồng nêu đầy đủ cam kết, phân định rõ rủi ro, trong đó có rủi ro pháp lý, chính sách thì nhà đầu tư có lẽ đã có cơ sở vững chắc để bảo vệ quyền lợi.