Dự án thành phần 1 thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu: Gỡ vướng tăng chi phí đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Tháp, địa chất khu vực thực hiện dự án yếu, vùng ngập nước thủy văn lớn dẫn tới chi phí xử lý nền tăng; chiều cao đất đắp nền lớn; các chi phí quản lý, tư vấn, xây dựng tăng là nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1), cần điều chỉnh kịp thời để có cơ sở thẩm định Dự án.
Tính tới ngày 22/11, Đồng Tháp đã hoàn thành cắm 516 trên tổng 623 mốc giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Ảnh: Như Nguyệt
Tính tới ngày 22/11, Đồng Tháp đã hoàn thành cắm 516 trên tổng 623 mốc giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Ảnh: Như Nguyệt

Trong báo cáo mới nhất gửi UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét điều chỉnh để đảm bảo tiến độ triển khai dự án nói trên, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp (Chủ đầu tư) cho biết, ở giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Sở bám sát chủ trương về hướng tuyến, quy mô Dự án đã được phê duyệt ở bước tiền khả thi tại Quyết định số 769/QĐ-TTg (ngày 24/6/2022) của Thủ tướng Chính phủ để nghiên cứu thực hiện. Theo đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/giờ, tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng.

Mới đây, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp đã trình Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi phát sinh một số nội dung làm thay đổi giá trị các hạng mục thuộc tổng mức đầu tư. Cụ thể, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) bước tiền khả thi là 458 tỷ đồng nhưng ở Báo cáo nghiên cứu khả thi là 624 tỷ đồng, tăng 166 tỷ đồng. Chi phí xây dựng, thiết bị lần lượt là 2.541 tỷ đồng và 2.791 tỷ đồng, tăng 186 tỷ đồng… Trong khi đó, chi phí dự phòng (không bao gồm GPMB) giảm 405 tỷ đồng so với bước tiền khả thi, ở mức 33 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân chi phí GPMB tăng do cập nhật đơn giá theo quy định hiện hành và bổ sung tăng thêm 2,7 km đường gom và nút giao Đường tỉnh 847 (2 nhánh lên xuống). Đối với mức tăng 186 tỷ đồng chi phí xây dựng, thiết bị là do điều kiện địa chất khu vực thực hiện dự án yếu dẫn tới chi phí xử lý nền tăng lên 437 tỷ đồng, chiếm 50,6% chi phí xây dựng tuyến (bước tiền khả thi là 311 tỷ đồng, chiếm 30% chi phí xây dựng tuyến). Thêm nữa, khu vực Dự án đi qua vùng ngập nước thủy văn lớn dẫn tới chiều cao đất đắp lớn, cần nhiều vật liệu đắp nền. Các chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác tăng theo chi phí xây dựng.

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, để đảm bảo nguồn vốn dự phòng cho Dự án thành phần 1, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận sử dụng nguồn vốn ngân sách Tỉnh quản lý để bổ sung vào nguồn chi phí dự phòng trong trường hợp Dự án vượt tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng, làm cơ sở để Bộ GTVT thẩm định Dự án. Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ, Sở đã kiến nghị Cục Quản lý xây dựng thuộc Bộ GTVT sớm có kết quả thẩm định.

“UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận hướng sử dụng nguồn vốn ngân sách Tỉnh quản lý để bổ sung vào nguồn chi phí dự phòng. Khi thực hiện Dự án, trong trường hợp Dự án thành phần 1 vượt tổng mức đầu tư đã được cấp thẩm quyền duyệt, sẽ trình HĐND Tỉnh quyết nghị thông qua chủ trương bổ sung phần vốn tăng thêm”, ông Bảo cho biết.

Theo đánh giá, Đồng Tháp đang dồn lực triển khai các khâu chuẩn bị đầu tư, tiến độ hiện được đảm bảo. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Sở GTVT trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định. Công tác triển khai cắm mốc GPMB cũng sắp hoàn tất. Tính tới ngày 22/11, Đồng Tháp đã hoàn thành cắm 516 trên tổng 623 mốc (trừ vị trí trạm thu phí và phần đường gom phát sinh). Trong đó, đã bàn giao 422 mốc cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để thực hiện các bước đền bù, hỗ trợ GPMB tiếp theo. Tỉnh đặt quyết tâm khởi công công trình vào cuối tháng 4/2023.

Ông Lê Hoàng Bảo cho biết thêm, Chủ đầu tư đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để trong tháng 12/2022 trình UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Dự án. Đó là, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, Bộ TN&MT để sớm có kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án. Bên cạnh đó, Sở cũng dồn lực hoàn thành công tác cắm mốc GPMB.

Tin cùng chuyên mục