![]() |
Tổng nhu cầu cát tại Dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 15.000 m3/ngày. Ảnh: Song Lê |
Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, việc triển khai DATP 3 đang bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch. Hiện các nhà thầu đã thực hiện tổng giá trị khối lượng khoảng 1.866 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng xây lắp 5.421 tỷ đồng, đạt 34,4%, chậm khoảng 3% so với kế hoạch. Khó khăn nằm ở khâu cung ứng nguồn vật liệu cát đắp nền, đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành Dự án.
Trong đó, Gói thầu xây dựng số 1 - đoạn từ Km94+400 - Km113+200 do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thi công đạt khối lượng tương ứng 1.226 tỷ đồng, bằng 40% giá trị hợp đồng, đáp ứng yêu cầu tiến độ. Hiện nay, Nhà thầu đã thi công 18 km đường công vụ, triển khai thi công đồng loạt 12/12 cầu trên tuyến, lắp đặt dầm, đổ mặt cầu được 6 cầu. Theo kế hoạch, các hạng mục cầu sẽ hoàn thành trong quý II/2025. Về phần đường, Nhà thầu đã đắp cát được khoảng 8 km, cắm bấc thấm được khoảng 5 km, đắp cát gia tải khoảng 3 km.
Gói thầu xây dựng số 2 - đoạn từ Km113+200 - Km131+082 do Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam đảm nhiệm thi công đạt khối lượng tương ứng 640 tỷ đồng, bằng 27,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 15%. Tới nay, Nhà thầu đã hoàn thiện khoảng 8 km đường công vụ, đang tập trung tìm kiếm nguồn vật liệu để thi công 9 km đường công vụ còn lại; đã triển khai 12/12 cầu trên tuyến. Trong đó, các cầu lớn như: Nàng Mau, Hòa Mỹ, Lái Hiếu, Hậu Giang 3 đã xong phần mố trụ và đang được tổ chức lao lắp dầm. Đối với phần đường, Nhà thầu đã thi công đắp cát được khoảng 2 km, cắm bấc thấm khoảng 1 km.
DATP 3 (từ Km94+400 đến Km131+300) dài 36,9 km, đi qua 2 huyện Châu Thành A (khoảng 11,1 km) và Phụng Hiệp (khoảng 25,8 km), tỉnh Hậu Giang. Tổng mức đầu tư 9.601 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 6.594 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2027.
Ông Dương Đình Tuấn, Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 10, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu tham gia thi công Gói thầu xây dựng số 1 thuộc DATP 3 cho biết, việc thiếu nguồn cát khiến các hạng mục thi công phần đường bị ảnh hưởng tiến độ. Liên danh nhà thầu mong tỉnh Hậu Giang và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng Bộ Giao thông vận tải phối hợp đẩy nhanh việc tháo gỡ vướng mắc để có đủ nguồn cát cho Dự án.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang (Chủ đầu tư), giá trị giải ngân của Dự án hiện đạt 3.954,8 tỷ đồng trên tổng số 4.092,5 tỷ đồng kế hoạch vốn được bố trí đến hết năm 2024 (96,75%). Trong đó, giá trị giải ngân năm 2023 là 1.354,5 tỷ đồng, đạt 100%; giá trị giải ngân năm 2024 là 2.600 tỷ đồng, đạt 95,14%.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang cho biết, việc thực hiện các công trình cầu trên tuyến hiện đạt và vượt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, phần đường chưa đạt tiến độ yêu cầu do nguồn vật liệu cát còn khó khăn, mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang phải chia sẻ cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để tập trung hoàn thành trong năm 2025. Trong khi đó, mỏ cát sông Tiền trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được khai thác, nhưng công suất còn hạn chế so với nhu cầu. Tổng nhu cầu cát tại DATP 3 khoảng 15.000 m3/ngày, trong khi công suất hiện tại của mỏ cát sông Tiền chỉ đạt khoảng 4.500 m3/ngày.
Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị UBND tỉnh An Giang xem xét cho phép tăng công suất thêm 50% đối với mỏ đã cấp cho DATP 3, tạo điều kiện hoàn thành đồng bộ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát các mỏ cát trên địa bàn một số tỉnh như: An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, sau khi cung cấp cho cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nếu còn trữ lượng thì xem xét lập thủ tục điều chuyển một phần ngược lại khối lượng cát mà trước đây đã điều chuyển từ DATP 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau do không còn nhu cầu sử dụng.