Dự án Vành đai 3 TP.HCM “cầu viện” cát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 10 gói thầu thi công xây lắp chính của Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ không bảo đảm tiến độ vì thiếu cát. TP.HCM đang khẩn trương tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để có nguồn cát phục vụ thi công ngay trong tháng 4/2024.
Tổng nhu cầu cát đắp nền cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,3 triệu m3, trong đó năm 2024 là 6,5 triệu m3. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Tổng nhu cầu cát đắp nền cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,3 triệu m3, trong đó năm 2024 là 6,5 triệu m3. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Nhà thầu thấp thỏm chờ cát

Khởi công vào tháng 6/2023, các gói thầu XL03, XL06, XL8 và XL9 thuộc Dự án thành phần 1 Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ, đào bóc hữu cơ, đường công vụ và thi công kết cấu phần dưới hạng mục cầu, hầm, cọc khoan nhồi, sản lượng ước tính khoảng 850 tỷ đồng (hơn 13% giá trị hợp đồng). 6 gói thầu xây lắp chính còn lại (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7 và XL10) được khởi công đồng loạt trong tháng 1/2024, hiện các nhà thầu đang huy động nhân sự, thiết bị phục vụ thi công.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, do thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường của Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM đang chậm tiến độ. Tình trạng này cũng khiến 6 liên danh thi công các gói thầu mới khởi công lo lắng.

Liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Xây dựng cầu 75 - Công ty TNHH Tập đoàn Định An - Công ty CP Hà Đô 1 là đơn vị thi công Gói thầu XL1 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Thủ Đức (từ Km12+200 đến Km14+950) với giá trúng thầu 2.123,524 tỷ đồng. Theo đại diện Liên danh, việc huy động vật liệu rất khó khăn, đặc biệt là cát. Nguồn cung khan hiếm, giá cả leo thang, biến động từng ngày khiến nhà thầu luôn trong trạng thái lo lắng.

Đại diện Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Xây dựng công trình 510 - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Tổng công ty Thành An chia sẻ: “Khu vực phía Nam có nhiều dự án cao tốc đang đồng loạt thi công. Do đó, việc huy động nguồn vật liệu khiến nhà thầu hao tổn công sức. Nếu không có biện pháp đồng bộ, nhà thầu rất khó đảm bảo tiến độ ngay từ đầu”. Liên danh này đảm nhiệm thi công Gói thầu XL4 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Thủ Đức (từ Km20+550 đến Km23+550) với giá trúng thầu 1.642,272 tỷ đồng.

“Ăn đong” vật liệu cũng là thực tế đang diễn ra tại nhiều gói thầu khác. Theo đại diện Liên danh thi công, 2 gói thầu XL8 và XL10, nhiều tháng nay nhà thầu phải liên hệ với rất nhiều mỏ để “gom” cát. “Giá hợp đồng chỉ hơn 200.000 đồng/m3 cát. Nhưng thực tế, nhà thầu đang phải mua với giá 300.000 đồng/m3. Giá cao, số lượng ít khiến nhà thầu khó xoay xở”, vị này chia sẻ.

Cấp thiết điều chuyển cát trong tháng 4/2024

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đất đắp nền đường, đá xây dựng và cát xây dựng cơ bản đáp ứng phục vụ cho Dự án. Riêng nguồn cát đắp nền đường hiện nay gặp nhiều khó khăn. Tổng nhu cầu cát đắp nền cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,3 triệu m3. Trong đó, năm 2024 là 6,5 triệu m3 (riêng TP.HCM là 4,7 triệu m3).

“Từ tháng 12/2023, Thành phố đã đề xuất và được các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre thống nhất chủ trương cung cấp một phần trữ lượng các mỏ cát tại địa phương để phục vụ Dự án (nếu kết quả thí nghiệm các mẫu cát đáp ứng yêu cầu kỹ thuật). Tuy nhiên, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang cho biết do khó khăn về nguồn cung cát phục vụ các dự án cao tốc đang triển khai và các công trình của địa phương, nên chủ trương không cấp cát cho công trình ngoài tỉnh. Đơn cử, An Giang đã ít nhất 3 lần có văn bản từ chối cung cấp cho dự án này”, ông Phúc chia sẻ.

Nhằm giải quyết khó khăn cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM, TP.HCM đề xuất Bộ GTVT điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng (khoảng 450.000 m3, cụ thể: Vĩnh Long 50.000 m3; An Giang 200.000 m3; Đồng Tháp 200.000 m3) tại một số mỏ đang khai thác đã được địa phương cấp cho các dự án cao tốc khác (cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...) sang Dự án Vành đai 3 TP.HCM ngay trong tháng 4/2024, theo hướng dự án nào tiến độ cấp thiết và nhu cầu tới trước sẽ cung cấp vật liệu trước.

TP.HCM cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các thủ tục liên quan để rút ngắn thủ tục gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác mỏ để có thể đưa vào khai thác chậm nhất vào đầu tháng 6/2024 (Vĩnh Long 22 mỏ; Tiền Giang 35 mỏ và Bến Tre 4 mỏ) và các thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đối với các mỏ quy hoạch) để có thể đưa vào khai thác chậm nhất vào đầu tháng 9/2024 (Bến Tre 4 mỏ).

Tin cùng chuyên mục