Dự án xử lý rác hơn 98 tỷ đồng tại Lạng Sơn: Nhà đầu tư lo rủi ro chính sách

(BĐT) - Dự án Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải rắn TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn có tổng mức đầu tư dự kiến 98,23 tỷ đồng vừa lựa chọn xong nhà đầu tư thực hiện. Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH MTV Công nghệ Tài nguyên môi trường Gia Linh - Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn (Liên danh Gia Linh - Môi trường Bắc Kạn). Vui mừng vì trúng thầu dự án lớn, song nhà đầu tư cũng đang đứng trước nhiều mối lo.
Cơ chế về đầu tư nhà máy xử lý rác hiện nay chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Lê Quân
Cơ chế về đầu tư nhà máy xử lý rác hiện nay chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Lê Quân

Nhà đầu tư trúng dự án do chính mình đề xuất

Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải rắn TP. Lạng Sơn được xây dựng tại thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn, trên diện tích đất khoảng 7,38 ha với công suất 150 - 300 tấn/ngày/đêm (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường). Dự án bao gồm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2020; giai đoạn 2 sau khi giai đoạn 1 đi vào hoạt động ổn định.

Về giá dịch vụ dự kiến, giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt dự kiến khoảng 370.000 - 470.000 đồng/tấn lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Giá xử lý chất thải công nghiệp thông thường xây dựng theo đơn giá quy định và không sử dụng ngân sách nhà nước.

Năm 2018, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn có thông báo lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ngày 27/6/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án. Theo đó, Liên danh Gia Linh - Môi trường Bắc Kạn là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, nhà đầu tư trúng thầu cũng chính là nhà đầu tư đầu tiên đề xuất Dự án (năm 2017).

Lo rào cản chính sách

Công ty TNHH MTV Công nghệ tài nguyên môi trường Gia Linh có địa chỉ tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp này từng trúng 2 gói thầu quy mô nhỏ, chưa đến 3 tỷ đồng. Công ty thành lập năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu là 4,9 tỷ đồng, sau đó tăng lên 15 tỷ đồng. Tại dự án này, Công ty sẽ cung cấp thiết bị.

Còn Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn thành lập năm 2010, chuyên cung cấp lò đốt. Theo thông tin đăng ký thay đổi lần thứ  6 ngày 15/11/2017, Công ty có vốn điều lệ 35 tỷ đồng với 2 thành viên góp vốn gồm Nguyễn Văn Trị (góp 7 tỷ đồng) và Đặng Văn Minh (góp 28 tỷ đồng).

Trước khi đầu tư Dự án Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải rắn TP. Lạng Sơn, Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn đã có đơn “kêu cứu” lên cơ quan chức năng vì bị chính quyền làm khó khi đầu tư vào Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ thiêu hủy công suất 3.000 kg/giờ, tại bãi rác Khuổi Mật, TP. Bắc Kạn. Cụ thể là UBND TP. Bắc Kạn ngừng ký hợp đồng xử lý rác thải theo công nghệ đốt cũng như không cấp đất cho đơn vị thực hiện Dự án giai đoạn 2 với lý do nguồn vốn hạn hẹp.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trị cho biết, đến nay, cơ bản những khó khăn tại dự án ở Bắc Kạn đã được giải quyết. Để tránh rủi ro có thể lặp lại, Nhà đầu tư đang đề xuất với chính quyền tỉnh Lạng Sơn thống nhất cơ chế hợp đồng phù hợp. Theo ông Trị, Nhà đầu tư muốn được ký kết hợp đồng hỗn hợp chứ không phải là hợp đồng dự án có sử dụng đất. Dự kiến, cuối tháng 4 này, Nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng với tỉnh Lạng Sơn để triển khai Dự án.

Về vấn đề tài chính, ông Trị khẳng định không đáng lo, bởi hiện Nhà đầu tư có một cổ đông mới đến từ Bắc Kạn có năng lực tài chính rất tốt; đồng thời, Nhà đầu tư cũng huy động vốn bằng nhiều kênh khác. Vấn đề khiến Nhà đầu tư lo lắng nhất hiện nay chính là cơ chế chính sách. “Cơ chế chính sách về đầu tư nhà máy xử lý rác hiện nay chưa hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Trị nói.

Cụ thể, theo ông Trị, đến nay, DN chỉ được hưởng duy nhất ưu đãi về thuế sử dụng đất theo quy định. Còn tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường thì Nhà nước có nhiều ưu đãi, song nhà đầu tư chưa được hưởng bất kỳ ưu đãi nào. "Cơ chế, chính sách không mở, không thoáng thì nhà đầu tư không thể làm, hoặc nếu làm cũng rất vất vả hoặc thua lỗ", ông Trị chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục