Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII: Giải tỏa công suất điện tái tạo ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng một số dự án điện tái tạo được đầu tư nhưng không thể giải tỏa công suất do thiếu lưới truyền tải đã và đang làm nản lòng nhà đầu tư. Tại Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, câu chuyện đầu tư lưới điện thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư.
Nhiều dự án điện tái tạo không thể giải tỏa hết công suất do thiếu lưới truyền tải. Ảnh: Ngọc Hà
Nhiều dự án điện tái tạo không thể giải tỏa hết công suất do thiếu lưới truyền tải. Ảnh: Ngọc Hà

Ưu tiên phát triển điện tái tạo

Một trong những điểm nhấn của Dự thảo Quy hoạch điện VIII là đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện. Nhiều chuyên gia ngành điện cũng như các nhà đầu tư lĩnh vực này cho rằng, đây là chủ trương đúng nhằm từng bước giảm tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nhiên liệu nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phân tích về hiện trạng sử dụng năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy, về cơ bản đến nay Việt Nam đã khai thác gần hết tiềm năng đối với thủy điện. Những năm gần đây, việc cấp than cho các nhà máy điện cũng gặp nhiều khó khăn, lượng tồn kho than tại các nhà máy điện ở mức thấp kỷ lục. Việt Nam đã phải nhập khẩu than để sản xuất điện. Bên cạnh đó, lượng khí cấp cho sản xuất điện cũng không đáp ứng đủ nhu cầu… Các nguồn tài nguyên hóa thạch như khí băng cháy, khí đá phiến và khí than của nước ta vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu tiềm năng, chưa có số liệu rõ ràng để có thể xem xét khả năng khai thác và sử dụng trong giai đoạn quy hoạch. Trong khi đó, Việt Nam lại là quốc gia giàu tiềm năng phát triển điện tái tạo.

Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch cho biết, hiện tại, các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo đang được khai thác tại Việt Nam bao gồm: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối (bã mía, rơm rạ..) và điện rác thải. Các loại hình năng lượng mới khác có tiềm năng cho sản xuất điện tại Việt Nam như: nguồn điện thủy triều, nguồn điện địa nhiệt, nguồn điện từ băng cháy, nguồn điện từ hydro... mới trong giai đoạn nghiên cứu và thăm dò tiềm năng.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, phát triển điện tái tạo có nhiều ưu điểm. Chính vì vậy, tại Dự thảo Quy hoạch, đơn vị tư vấn nhấn mạnh đề xuất “ưu tiên phát triển điện tái tạo”.

Có giải được bài toán lưới điện truyền tải?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hữu Vinh, đại diện Tập đoàn Hà Đô đánh giá, một trong những vấn đề khiến các nhà đầu tư nản lòng là nhiều nhà máy điện tái tạo được đầu tư nhưng không giải tỏa hết công suất do thiếu lưới truyền tải… Điều này khiến một số nhà máy vận hành dưới công suất, gây lãng phí đầu tư.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, rác) sẽ tăng dần trong giai đoạn quy hoạch, dự kiến đạt khoảng 29% năm 2030, và 44% năm 2045. Do vậy, các nguồn này sẽ có ảnh hưởng lớn đến quy hoạch và vận hành lưới điện truyền tải. Phương án thiết kế lưới điện truyền tải sẽ được xây dựng trên cơ sở kết quả phân bổ nguồn tối ưu, bao gồm nguồn năng lượng tái tạo.

Để giải bài toán phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500 kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn tại TP.HCM và Đồng bằng sông Hồng. Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất liên miền Bắc - Trung - Nam. Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Cơ quan tư vấn cũng đưa ra phương án giải tỏa công suất cho các dự án điện tái tạo tại khu vực Tây Bắc và miền núi phía Bắc; Tây Nguyên; Bắc Trung Bộ…

Tán thành đề xuất này, song một số nhà đầu tư nhấn mạnh sự ổn định, thống nhất của chính sách nhằm tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển điện tái tạo. “Chính sách có tính ngắn hạn, thiếu ổn định không thể khiến nhà đầu tư bỏ tiền để đầu tư phát triển điện tái tạo”, một nhà đầu tư bày tỏ. Cũng theo nhà đầu tư này, chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải cần nhanh chóng được làm rõ hơn trong Dự thảo Quy hoạch, giúp nhà đầu tư hoạch định chiến lược kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục