Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều bất cập về điều kiện kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện trình Chính phủ. Song theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như chuyên gia kinh tế, Dự thảo Nghị định cập nhật gần đây còn khá nhiều quy định bất cập, không phù hợp với các luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.
Đối với quy định về ghi nhãn, ống nước trong xây dựng bằng nhựa PVC cũng phải dán nhãn “bao bì nhựa khó phân hủy” là bất hợp lý và gây tốn kém không cần thiết cho DN... Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Đối với quy định về ghi nhãn, ống nước trong xây dựng bằng nhựa PVC cũng phải dán nhãn “bao bì nhựa khó phân hủy” là bất hợp lý và gây tốn kém không cần thiết cho DN... Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, 11 hiệp hội DN đã ký thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính góp ý, kiến nghị một số nội dung tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các hiệp hội DN cho biết, Dự thảo lần này vẫn còn khá nhiều nội dung không phù hợp với các luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Dự thảo Nghị định có 4 bất cập lớn.

Trước hết, Dự thảo Nghị định có một số quy định mở rộng hơn so với phạm vi cho phép của Luật, điển hình như việc đề xuất thành lập Văn phòng Trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) và Hội đồng EPR. “Chúng tôi kiến nghị bất kể những gì Luật không cho phép thì bắt buộc phải bãi bỏ, đưa ra khỏi Dự thảo Nghị định”, bà Thảo nhấn mạnh. Theo kinh nghiệm quốc tế, Văn phòng EPR là do các DN, hiệp hội lập ra và quản lý tiền đóng góp tái chế sản phẩm, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò cố vấn, giám sát…

Thứ hai là bất cập trong quy trình cấp giấy phép môi trường. Theo Dự thảo Nghị định, thủ tục cấp Giấy phép môi trường (GPMT) rất phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không rõ ràng, rất dễ tạo cơ chế xin - cho ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Đơn cử, Dự thảo quy định tiêu chí đối với “trường hợp cần thiết” phải “khảo sát thực địa cho đánh giá tác động môi trường”, “kiểm tra thực tế” cho GPMT nhưng lại không quy định rõ ràng về thời gian thẩm định, thời gian thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra thực tế kể từ ngày nộp Giấy phép, dễ nảy sinh tiêu cực.

“Chính vì thủ tục phức tạp và không minh bạch về thời gian nên DN không tiên liệu được thời gian nhận được giấy phép… Trong khi đó, chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ vừa qua là cải cách phải tạo thuận lợi cho DN, quy định đưa ra cho DN phải minh bạch, tiên liệu được”, bà Thảo nói.

Điểm bất cập thứ ba là Dự thảo Nghị định đưa ra những điều kiện kinh doanh áp dụng chung cho cả DN mới cũng như DN đang tồn tại. Quy định này có thể gây rủi ro chính sách cho những DN đang hoạt động. Ví dụ, Khoản 6, Điều 52 Dự thảo Nghị định quy định về khoảng cách an toàn về môi trường trong khu dân cư: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng hiện hữu đang hoạt động không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường thì không được mở rộng quy mô…, không được gia hạn khi hết thời gian hoạt động của dự án hoặc hết thời hạn thuê đất, giao đất để thực hiện dự án và phải thực hiện chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh” là dễ gây rủi ro chính sách cho DN.

Đối với quy định về ghi nhãn, Điều 66 quy định sản phẩm hàng hóa là bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải được dán nhãn hàng hóa (nhãn gốc hoặc nhãn phụ, nhãn cảnh báo) bằng tiếng Việt ghi rõ “bao bì nhựa khó phân hủy”. Như vậy, ống nước trong xây dựng bằng nhựa PVC, chai nước, chai dầu gội từ nhựa PVC, PET cũng phải dán nhãn “bao bì nhựa khó phân hủy”. Điều này bất hợp lý và gây tốn kém không cần thiết cho DN, có thể tạo rào cản thương mại với các nước, mâu thuẫn với các hiệp định thương mại tự do.

Thứ tư là trong Luật có quy định về đóng góp cho hoạt động tái chế, tiêu huỷ nhưng Dự thảo Nghị định lại chưa có cơ chế để quản lý việc đóng góp đó. Như vậy là thiếu sự minh bạch trong quản lý.

Trước những bất cập này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản đề nghị, Dự thảo Nghị định cần bãi bỏ những quy định không hợp lý, đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho DN… “Cần phải tiến tới điện tử hóa các thủ tục hành chính về việc cấp giấy phép môi trường. Đề nghị quy định rõ ràng về thời gian cấp phép, thời gian thẩm định, tránh việc mỗi địa phương phát sinh các thủ tục hành chính khác nhau…”, ông Nam kiến nghị.

Về phía CIEM, cơ quan này nhấn mạnh, Nghị định cần quy định theo đúng phạm vi Luật cho phép; đơn giản hóa thủ tục và nội dung báo cáo cấp GPMT; rà soát, điều chỉnh các quy định, các mức đóng góp phù hợp với thực tiễn…

Tin cùng chuyên mục