Dự thảo Nghị quyết 19-2019/NQ-CP hướng tới cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ nghiên cứu và phát triển. Ảnh: Lê Tiên |
5 nguyên tắc xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý về kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, hệ thống thể chế cho CMCN 4.0 trước hết là thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; luôn hướng tới sự chấp nhận, thích nghi và khuyến khích thúc đẩy những cái mới, những thay đổi liên tục, mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học và công nghệ; là hệ thống thể chế nuôi dưỡng, thu hút nhân tài, giải phóng năng lực cá nhân, phát huy tối đa sức sáng tạo của mọi cá nhân, tổ chức để mang lại những giá trị mới cao hơn; bảo vệ được an toàn, an ninh trên không gian mạng cũng như quyền tự do và quyền riêng tư của mỗi người.
Nhấn mạnh thông điệp này, Dự thảo Nghị quyết số 19-2019/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 vừa được Bộ KH&ĐT hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ban hành. Dự thảo quán triệt 5 nguyên tắc chính để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuân thủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý nhà nước về kinh tế.
Đầu tiên là nguyên tắc tiếp tục mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, kể cả hội nhập kinh tế số.
Hai là, lấy bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng là mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước về kinh tế; lấy nâng cao mức độ, quy mô cạnh tranh thị trường và đảm bảo cạnh tranh công bằng là trung tâm của pháp luật, chính sách điều tiết nền kinh tế, điều tiết các ngành, lĩnh vực kinh tế.
Ba là, mọi tổ chức, cá nhân có toàn quyền tự do sáng tạo; hệ thống thể chế và quản lý nhà nước phải đảm bảo đầy đủ quyền tự do sáng tạo; đảm bảo hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới sáng tạo.
Bốn là, quản lý nhà nước phải phục vụ phát triển, vì phát triển, theo kịp quá trình phát triển; khi chưa rõ mục tiêu quản lý, nội hàm quản lý nhà nước, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải để cho hoạt động kinh doanh tự do phát triển, không can thiệp để ngăn chặn, hạn chế sáng tạo; không cấm, không hạn chế, không làm méo mó mô hình, phương thức và hoạt động kinh doanh có liên quan; trường hợp cần thiết thì thực hiện thí nghiệm điều tiết.
Năm là, công cụ, cách thức quản lý nhà nước phải linh hoạt, quản lý theo mục tiêu, theo kết quả và hiệu quả; tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính cấm đoán, hạn chế quyền tự do kinh doanh, tự do đổi mới sáng tạo.
Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Tại Dự thảo Nghị quyết 19-2019, Chính phủ giao nhiệm vụ đối với từng bộ, ngành nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị này.
Cụ thể, đối với Bộ KH&ĐT, Chính phủ giao Bộ chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trong tháng 3/2019. Trung tâm này cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển và hoàn thiện các ý tưởng công nghệ mới, các sản phẩm mới, quy trình mới, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm, hỗ trợ nâng cấp, mở rộng quy mô các DN khởi nghiệp, giới thiệu công nghệ mới và cung cấp các dịch vụ áp dụng và chuyển giao công nghệ; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo ở các địa phương khác. Trước tháng 6/2019, Bộ KH&ĐT trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ đầu tư thiên thần, Quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên hỗ trợ, cấp vốn cho các DN khởi nghiệp và tháng 9/2018, trình Chính phủ Chiến lược phát triển quốc gia về CMCN 4.0.
Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ giao trong quý II/2019 trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định bổ sung, sửa đổi quy hoạch và chức năng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo hướng từ năm 2019 chỉ thu hút đầu tư các loại công nghệ của CMCN 4.0; đồng thời hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia…
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi ban hành trước tháng 6/2019 thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN theo hướng cho phép DN tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ nghiên cứu và phát triển cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của DN; cho phép DN nhà nước sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của DN đầu tư vào các DN đổi mới sáng tạo và không bị coi là làm thất thoát tài sản nhà nước nếu đầu tư không thành công.