Nhiều chuyên gia khẳng định rằng không thể thay đổi tâm lý bi quan chung của cả thị trường chỉ bằng thông tin dự trữ và sản xuất dầu thô của một tuần - Ảnh: PennEnergy. |
Giá dầu tăng mạnh trong phiên ngày thứ Tư sau khi đón nhận thông tin dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng, theo tin từ Wall Street Journal.
Giá dầu thô ngọt, nhẹ WTI giao tháng 5 tăng 1,86 USD/thùng, tương đương 5,2% lên 37,75 USD/thùng trên thị trường New York.
Trên thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 1,97 USD/thùng, tức 5,2% lên 39,84 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/4/2016, cao hơn rất nhiều so với dự báo của giới chuyên gia.
Mức giảm như trên cao nhất trong ít nhất 19 năm, theo số liệu từ quỹ Bespoke Investment Group. Trong tuần trước đó, dự trữ dầu thô tăng lên mức cao nhất trong hơn 80 năm.
Nguyên nhân chính khiến dự trữ dầu thô giảm là bởi nhập khẩu giảm và hoạt động sản xuất năng lượng tăng cao. Trong tuần qua, các nhà máy sản xuất năng lượng tại Mỹ đã hoạt động với 91,4% công suất, cao hơn khá nhiều so với mức của tuần trước đó.
Trung bình, mỗi ngày các công ty sản xuất năng lượng Mỹ sử dụng khoảng 16,4 triệu thùng dầu thô, cao hơn 199 nghìn thùng so với tuần trước đó.
“Các công ty sản xuất năng lượng đang nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu xăng dầu chuẩn bị tăng cao trong mùa hè sắp tới. Chắc chắn năm nay người Mỹ sẽ tranh thủ xăng rẻ để đi du lịch khắp nơi”, theo nhận định của ông Bob Yawger, giám đốc bộ phận giao dịch hàng hóa tương lai tại công ty chứng khoán Mizuho.
Bất chấp thông tin trên, nhiều chuyên gia khẳng định rằng không thể thay đổi tâm lý bi quan chung của cả thị trường chỉ bằng thông tin dự trữ và sản xuất dầu thô của một tuần.
Giám đốc quỹ John Hancock Financial Services, ông Chip Hodge, khẳng định sẽ cần thêm nhiều thời gian để có thể khẳng định dự trữ dầu thô đã vào xu thế giảm, tuy nhiên ít nhất những dự báo đến nay đều cho thấy nhu cầu dầu thô sẽ tăng.
Dù dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm nhưng dự trữ các sản phẩm xăng và dầu diesel lại bất ngờ tăng. Ngoài ra, nhập khẩu dầu tại Mỹ giảm trong tuần qua chủ yếu là bởi lý do thời tiết.
Về phía các nước sản xuất năng lượng tại Trung Đông, sau khi Saudi Arabia, nước sản xuất dầu lớn nhất thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khẳng định sẽ chỉ chấp nhận giữ nguyên sản lượng ở mức trung bình của tháng 1 nếu Iran nhượng bộ.
Do đó, thị trường đã không còn kỳ vọng nhiều vào kết quả của cuộc họp sắp tới.
Phía Iran khẳng định họ sẽ liên tục tăng xuất khẩu dầu cho đến khi hạn mức xuất khẩu hàng ngày chạm mức 4 triệu thùng, mức trước khi nước này bị phương Tây trừng phạt.
Ngoài ra nhiều chuyên gia khẳng định kể cả cuộc họp có đưa ra được sự đồng thuận nào đó thì nó cũng không thể mang đến thay đổi mang tính cục diện cho thị trường bởi nguồn cung dầu thế giới đã ở mức quá cao trong thời gian quá dài.