Ảnh Internet |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi nghiên cứu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu một số nội dung về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật theo hướng Luật Quy hoạch sẽ điều chỉnh các hoạt động quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng tiếp thu trong Dự thảo Luật những góp ý về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ của Dự án Luật trong hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến về Dự thảo Luật, 3 đại diện của 3 bộ, gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng đều bảo lưu những ý kiến đã nêu tại Kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Theo đó, các bộ đều đề nghị giữ lại quy hoạch hiện có và e ngại về việc sẽ khó quản lý nếu như không có những quy hoạch như hiện nay. Cụ thể, đại diện Bộ Xây dựng lo ngại năng lực quản lý hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của phương pháp tích hợp theo tư duy làm Luật Quy hoạch mới; còn đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc bãi bỏ cơ học các quy định về quy hoạch trong luật chuyên ngành sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Về những ý kiến còn khác nhau liên quan đến Dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm: Chính phủ cần có báo cáo rõ, đầy đủ để trả lời thuyết phục những vấn đề còn khác nhau trước Quốc hội.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật, ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Dự thảo Luật Quy hoạch tiếp cận theo cách làm mới, bằng phương pháp tích hợp. Phương pháp tích hợp không phủ nhận quy hoạch, mà thay vì “mạnh ai nấy làm” như trước đây thì tích hợp theo cấp vùng, cấp quốc gia”.
Về quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Thứ trưởng Đặng Huy Đông thông tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với từng bộ, ngành và có tới hơn 30 cuộc hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện với sự tham gia của nhiều hiệp hội, chuyên gia trong nước và ngoài nước có kinh nghiệm, uy tín.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý trình Dự án Luật ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai để lấy ý kiến lần đầu. Tuy nhiên, ông Hiển đề nghị Chính phủ cần phải thận trọng, chuẩn bị kỹ giải trình liên quan đến việc bãi bỏ hơn 40 điều, khoản của các luật liên quan.
“Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu đánh giá tác động của việc bãi bỏ các quy định liên quan, tránh để khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng tới quá trình thực hiện. Nguyên tắc xây dựng Luật Quy hoạch là theo hướng luật khung, không đi sâu quá nội dung, gây xung đột lợi ích”, ông Hiển yêu cầu.