Các chuyên gia, nhà thầu, chủ đầu tư đều kỳ vọng các quy định mới tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tạo nên một “sân chơi” ở tầm cao mới, cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả hơn. Ảnh: Tiên Giang |
Vướng mắc, bất cập sau hơn 10 năm thực hiện Luật Đấu thầu 2013 đã được khắc phục
Ông Trần Đức Thuận, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã thể chế hóa đường lối của Đảng trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước và có sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, khắc phục được những vướng mắc, bất cập sau 10 năm thực hiện Luật Đấu thầu 2013, giúp cho quy trình lựa chọn nhà thầu bớt phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ mua sắm tài sản công. Luật cũng đã quy định rõ về phân cấp, phân quyền cũng như xác định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đồng thời quy định rõ về kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý vi phạm một cách đầy đủ và rõ ràng, góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.
Thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần hướng dẫn chi tiết để đưa nhanh các quy định mới, tiến bộ của Luật đi vào cuộc sống. Trong đó, cần quy định chặt chẽ đối với một số vấn đề lớn như: bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; yêu cầu với tổ chuyên gia, tổ thẩm định trong đấu thầu cũng như các trường hợp chỉ định thầu… để quá trình thực hiện được thuận lợi, theo tinh thần đấu thầu là cạnh tranh, công bằng và minh bạch.
Người làm công tác đấu thầu phải tăng cường khả năng tự nghiên cứu, học hỏi
Ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định
Luật Đấu thầu (sửa đổi) có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ hết các hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, không chỉ có lựa chọn nhà thầu mà cả lựa chọn nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi những người làm công tác đấu thầu phải có kiến thức và hiểu biết sâu rộng, phải thường xuyên cập nhật không chỉ các kiến thức về đấu thầu mà còn các luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp… thì mới có thể vận dụng được.
So với Luật Đấu thầu 2013, Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định chặt chẽ hơn các hoạt động mua sắm tài sản công, ràng buộc chặt hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Do đó, những người làm công tác đấu thầu buộc phải nâng cao tinh thần học hỏi, nghiên cứu và phải thường xuyên cập nhật kiến thức, quy định mới. Đối với một ban quản lý dự án chuyên ngành, thường xuyên tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các công trình dân dụng như chúng tôi, việc tự đào tạo, trau dồi kiến thức chuyên môn đấu thầu và lĩnh vực chuyên ngành là hết sức thiết thực, nếu không rất dễ xảy ra sai sót ngoài mong muốn.
Vì Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, chắc chắn quá trình thực hiện sẽ phát sinh thêm tình huống mới nên chúng tôi mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với địa phương sớm có các chương trình đào tạo, tập huấn và phổ biến các quy định mới cho đội ngũ cán bộ đấu thầu, nâng cao kỹ năng xử lý các vấn đề phức tạp, tăng cường kinh nghiệm giải quyết các tình huống mới phát sinh cho nhân sự nòng cốt, làm tổ chuyên gia đấu thầu.
Xây dựng môi trường cạnh tranh minh bạch cho nhà thầu
Ông Võ Chí Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình
Luật Đấu thầu (sửa đổi) được thông qua là minh chứng cho quá trình hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu theo đúng tiêu chí cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả. Hiện nay, nhờ chính sách đấu thầu tiến bộ, cập nhật thông lệ quốc tế mà các nhà thầu đã có một môi trường cạnh tranh để thể hiện năng lực, kinh nghiệm của mình. Lộ trình xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được “kiểm chứng” hiệu quả bằng loạt chính sách mạnh mẽ như Thông tư số 08/2022/BKHĐT. Chưa khi nào các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng cũng như đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu được triển khai mạnh mẽ như hiện nay. Chi phí, công sức được giảm bớt, thời gian được rút ngắn, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với trước.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu (sửa đổi) tăng cường trách nhiệm của nhà thầu khi kê khai năng lực kinh nghiệm vì có nhiều kênh giám sát, đối chiếu. Môi trường đấu thầu chuyên nghiệp này sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng nhà thầu chuyên nghiệp, vững mạnh lâu bền.
Chờ đợi hành lang pháp lý đồng bộ, an toàn, hiệu quả cho công tác đấu thầu ngành y
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Thời gian qua, rất dễ nhận ra trạng thái tâm lý phổ biến của các trưởng phòng vật tư, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện là sự lo lắng, thậm chí là hoang mang với công việc được giao. Các cán bộ y tế phụ trách cung ứng vật tư, mua sắm và bảo trì trang thiết bị y tế đều đứng giữa 2 yêu cầu chính đáng nhưng luôn đối nghịch nhau, đó là: Một mặt, phải lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của các nhà chuyên môn trong bệnh viện luôn muốn có những vật tư, thiết bị y tế tốt nhất cho công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Mặt khác, phải tuân thủ yêu cầu của ban giám đốc bệnh viện, nhất là phải giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước như các đoàn kiểm toán, thanh tra về xây dựng giá dự toán khi đấu thầu mua sắm để bảo đảm giá mua phải là giá thấp nhất.
Cho dù là kỹ sư, bác sĩ hay dược sĩ, khi được ban giám đốc bệnh viện giao nhiệm vụ thì tất cả cán bộ đều dốc hết sức lực và tâm trí với mong muốn được đóng góp cho hoạt động chăm sóc người bệnh đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, với khó khăn trên, cán bộ chuyên trách hoạt động mua sắm, cung ứng, bảo trì trang thiết bị, vật tư y tế đều mong muốn sớm có những quy định pháp lý mới, hướng dẫn thông suốt lĩnh vực này.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung rất nhiều nội dung liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế. Cùng với việc Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu (sửa đổi), chúng tôi mong rằng, các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế cũng sớm được ban hành, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, an toàn, hiệu quả cho công tác đấu thầu của ngành y.
Ngành công nghiệp dược trong nước có cơ hội phát triển
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar)
Từ bài học gián đoạn nguồn cung thuốc do dịch Covid-19, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp dược trong nước phát triển để tăng tính tự chủ về nguồn cung, tránh lệ thuộc quá lớn vào thuốc nhập khẩu, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh. Trên thế giới, không một quốc gia nào không có những chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước như vậy.
Có lẽ, chưa có ngành nào có mức độ tuân thủ nghiêm ngặt như ngành dược. Từ năm 1996, tiêu chuẩn GMP đã bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam để kiểm soát chất lượng. Hiện Việt Nam đã có hơn 10 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn của EU-GMP. Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu cũng như mua bản quyền để sản xuất thuốc đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, lên tới hàng trăm triệu USD và phải 4 đến 5 năm sau nhà máy mới có thể đi vào hoạt động.
Do vậy, việc dành một phần thị phần mua sắm công đối với thuốc cho doanh nghiệp nội là rất cần thiết, để góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất dược tăng cường đầu tư thiết bị, dây chuyền hiện đại để sản xuất thuốc, nâng cao tính cạnh tranh với thuốc nhập khẩu, đồng thời đáp ứng được chất lượng điều trị, thời gian điều trị, góp phần tăng hiệu quả điều trị và tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Những ý kiến đóng góp này đã được tiếp thu và cụ thể hóa trong Luật Đấu thầu 2023. Theo đó, thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu chỉ chào thầu thuốc xuất xứ trong nước.
Tôi ủng hộ quan điểm và chủ trương này. Những quy định trên là cần thiết và phù hợp, tạo điều kiện cho thuốc nội phát triển, ngày càng cạnh tranh với thuốc nhập khẩu. Không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà kể cả những những hãng dược phẩm lớn của nước ngoài cũng được hưởng lợi khi đầu tư, xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất tại Việt Nam, giảm chi phí, tăng khả năng trúng thầu; thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Bên cạnh việc xuất khẩu tại chỗ phục vụ thị trường tiềm năng 100 triệu dân, các hãng dược còn có cơ hội xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN hoặc các đối tác mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do để hưởng ưu đãi.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, linh hoạt nắm bắt cơ hội kinh doanh
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP Sở hữu trí tuệ Davilaw
Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong thời gian qua, đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất là Luật Đấu thầu 2023 đã xác định rõ đối tượng áp dụng, trong đó phân biệt rõ nguồn vốn thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật, gồm: vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện dự án đầu tư hoặc dự toán mua sắm.
Có thể nói, Luật Đấu thầu năm 2023 đã tạo ra cơ chế linh hoạt hơn cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước hoặc dự án đầu tư có vốn của doanh nghiệp nhà nước thông qua việc cụ thể hóa đối tượng doanh nghiệp nào phải áp dụng Luật. Đó là các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Như vậy, các doanh nghiệp con, doanh nghiệp cháu khi thực hiện đầu tư kinh doanh không còn phải suy nghĩ tính toán tỷ lệ vốn góp trong dự án là bao nhiêu như trước đây, được quyền tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình, từ đó giúp họ chủ động nắm bắt được cơ hội kinh doanh, thực hiện theo yêu cầu từ phía đối tác. Trước đó, Luật Đấu thầu năm 2013 đã cho phép các doanh nghiệp tự ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu riêng, nhưng quy định chưa đủ rõ ràng và cụ thể như Luật lần này.