Đường BOT bị “băm nát”, nhà đầu tư nói thẳng không có tiền sửa

0:00 / 0:00
0:00
Đường BOT xuống cấp, Bộ GTVT không thể sửa chữa do vướng cơ chế, còn nhà đầu tư nói thẳng "không có tiền sửa".

Trong số 9 dự án BOT đang xuống cấp, mặt đường hư hỏng nặng hiện có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, QL1 đoạn tránh Hà Tĩnh, QL1K đoạn Km 2+478-Km 12+971 và QL1 đoạn tránh Cai Lậy.

2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa và QL91 đoạn Km14 - Km 50+889.

3 dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, QL20 đoạn qua các thị trấn và QL1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.

Điển hình trong số này là Dự án BOT QL1 đường tránh TP Thanh Hóa (dài hơn 10 km) được đầu tư xây dựng thu phí từ 2009, đến năm 2017 thì phải dừng thu để tính toán lại.

Tuy nhiên từ khi dừng thu phí đến nay mặt đường đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nhà đầu tư BOT đường tránh TP Thanh Hoá không có tiền đại tu, sửa mặt đường
Nhà đầu tư BOT đường tránh TP Thanh Hoá không có tiền đại tu, sửa mặt đường

Anh Cao Văn Hòa, thường xuyên đi về qua tuyến đường này cho biết, hơn 2 năm nay, mỗi lần lái xe từ Hà Nội về Thanh Hoá đi qua đoạn đường này anh phải tập trung cao độ để đề phòng không xảy ra tai nạn.

“Đường nhiều ổ trâu, có đoạn hằn lún sâu 10-15 cm được cào bóc sơ sài nên khi đi với tốc độ cao, mất tập trung thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đoạn đường tránh TP Thanh Hoá này bị hư hỏng từ lâu mà chưa thấy sửa...”, anh Hoà nói.

Do không có nguồn thu?

Trước tình trạng đặt ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án đang tạm dừng thu phí nhưng chưa hoàn thành việc xác lập quyền sở hữu toàn dân, chưa chuyển giao công trình BOT cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên nhà đầu tư dự án phải có trách nhiệm bảo trì cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Nam, Tổng GĐ Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa cho hay, theo hợp đồng nhà đầu tư được thu phí đến năm 2025, nhưng đến năm 2017 sau khi Tổng cục Đường bộ tính toán số thu đủ theo hợp đồng đã cho dự án dừng thu phí.

Từ đó đến nay do không có nguồn thu nên nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện cào bóc những đoạn đường hằn lún, vì thế không thể đảm bảo khai thác an toàn theo yêu cầu.

“Dự án khai thác hơn 10 năm đã đến thời hạn phải đại tu lớn, nhưng do nguồn thu từ thu phí không còn nên chúng tôi không thể thực hiện”, ông Nam cho biết.

Trước đó, Công ty CP BOT đường tránh TP Thanh Hoá đã đề xuất cho dự án thu phí trở lại, tuy nhiên đề xuất này đã không được Bộ GTVT chấp thuận.

Sau khi dừng thu phí đường BOT QL2

Sau khi dừng thu phí đường BOT QL2

Tương tự, tại QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên mặt đường hư hỏng chỉ được nhà đầu tư trám vá sơ sài, tạm bợ dù Tổng cục Đường bộ thường xuyên nhắc nhở phải duy tu, đảm bảo cho xe lưu thông an toàn.

Đại diện nhà đầu tư Công ty CP BOT QL2 cho biết, do Tổng cục Đường bộ cho dừng thu phí khi chưa hết hạn hợp đồng (theo hợp đồng đến 2025), trong khi tiền bảo trì dự án được tính toán trong mức thu phí nên nhà đầu tư không có tiền để sửa chữa mặt đường theo yêu cầu.

Vướng cơ chế chưa được tháo

Đối với những dự án BOT đã tạm dừng thu phí nhà đầu tư không bảo trì dự án hoặc bảo trì không đạt yêu cầu, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản công trình thuộc dự án từ khi dừng thu phí đến lúc hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Nguồn kinh phí được bố trí từ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước của Bộ GTVT.

Kiến nghị này của Bộ GTVT đã được Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xem xét cho ý kiến. Trường hợp có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, dù Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn đang phải xin ý kiến Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp. Trong khi vướng mắc về cơ chế chưa được tháo gỡ thì các dự án BOT hư hỏng, xuống cấp vẫn chưa có tiền để sửa.