Dự án Điện mặt trời Phước Thái tại Ninh Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư |
6 giải pháp xanh hóa
Trước tiên, EVN tập trung thực hiện nhóm giải pháp về phát triển nguồn điện. Theo đó, Tập đoàn nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển nguồn điện; nghiên cứu áp dụng các giải pháp trong việc thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch cho phát điện bằng nhiên liệu thân thiện môi trường hơn (green Hydrogen, green Ammonia, Biomass...); kiến nghị chính sách phát triển các nguồn nhiên liệu thân thiện môi trường tại Việt Nam.
Với nhóm giải pháp về phát triển lưới điện, EVN sẽ tìm cách nâng cao năng lực truyền tải, xây dựng hệ thống truyền tải thông minh giúp tối ưu vận hành lưới điện, giảm thiểu sự cố, giảm tổn hao, giảm thiểu phát thải do lưới truyền tải; tích hợp hệ thống tích trữ năng lượng; xây dựng hệ thống truyền tải liên kết với các nước trong khu vực…
Về nhóm giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển, hợp tác quốc tế, EVN định hướng tập trung nghiên cứu giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong phát triển nguồn và lưới điện gắn với chuyển dịch năng lượng. Xây dựng các mục tiêu về phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển theo các giai đoạn của lộ trình chuyển dịch năng lượng. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong vấn đề chuyển dịch năng lượng.
EVN nghiên cứu áp dụng các giải pháp thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch cho phát điện bằng nhiên liệu thân thiện môi trường hơn |
Tiếp đó, về phát triển nguồn nhân lực, EVN chú trọng nghiên cứu xây dựng các yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực đối với quá trình chuyển dịch năng lượng trong Tập đoàn; đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia nòng cốt để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch năng lượng.
Đối với vấn đề huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, EVN sẽ tính toán, ước lượng nhu cầu vốn đầu tư phục vụ quá trình chuyển dịch năng lượng của EVN; nghiên cứu đề xuất giải pháp huy động vốn trong quá trình chuyển dịch năng lượng của EVN; đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn…
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng tập trung đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng. Căn cứ trên các nhóm giải pháp và phân tích, đánh giá những cơ chế chính sách điển hình đang được áp dụng tại một số nước trên thế giới, Tập đoàn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành về hệ thống chính sách cần thiết thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng đối với EVN, đáp ứng cam kết về cắt giảm khí nhà kính và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Hành động hiện thực hóa mục tiêu
EVN cho biết, thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước để nghiên cứu, phân tích chi tiết hơn trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các nước, các định hướng của Chính phủ để đưa ra lộ trình chuyển dịch năng lượng và giải pháp cụ thể, xem xét tích hợp vào kế hoạch triển khai chiến lược phát triển EVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 1/4/2021.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận |
Triển khai nghiên cứu tình hình phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới như: nghiên cứu về tiềm năng và ứng dụng của nguồn nhiên liệu khí hydrogen cho phát điện; nghiên cứu về tình hình phát triển và vận hành nguồn điện gió ngoài khơi trên thế giới, khuyến nghị về công tác đấu nối và vận hành nhà máy điện gió ngoài khơi trong hệ thống điện Việt Nam…
Nâng cao năng lực đội ngũ người lao động với việc đẩy mạnh tự nghiên cứu, học hỏi về các nội dung liên quan trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng kết hợp với việc tham gia các chương trình hội thảo, đào tạo của các tổ chức trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN.
Tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB); Quỹ bảo vệ môi trường (EDF); Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ)... tổ chức các khóa đào tạo, tham quan, học hỏi về các công nghệ mới như lưu trữ năng lượng, công nghệ thu giữ, sử dụng tuần hoàn và lưu trữ khí thải CO2 (CCUS), các công nghệ đốt trộn giữa nguồn nhiên liệu truyền thống và các nguồn nhiên liệu mới (nguồn sinh khối, khí hydro, khí amonniac…).
Tập đoàn tích cực triển khai các kế hoạch hành động do Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành để thực hiện chính sách chuyển dịch năng lượng đáp ứng mục tiêu đã cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.