Fed giữ nguyên lãi suất, áp lực tỷ giá chưa hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25 - 4,5%. Giới phân tích lo ngại áp lực tỷ giá USD/VND chưa thể hạ nhiệt và sẽ tác động bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh để tăng sức cạnh tranh.
Biến động tỷ giá USD/VND.
Biến động tỷ giá USD/VND.

Quyết định giữ nguyên lãi suất được Fed công bố vào ngày 7/5 phản ánh quan điểm thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước áp lực lạm phát kéo dài và rủi ro suy thoái gia tăng. Mặc dù không điều chỉnh lãi suất tại thời điểm hiện tại, Fed nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các dữ liệu kinh tế, bao gồm diễn biến trên thị trường lao động, kỳ vọng lạm phát, cũng như các yếu tố tài chính và quốc tế.

Phản ứng với động thái này của Fed, đồng USD trên thị trường thế giới tiếp tục tăng giá, với chỉ số DXY tăng lên mức 99,87%. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm USD/VND ngày 8/5 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 24.927 đồng, giảm 3 đồng so với sáng 7/5.

NHNN cho biết, trong tháng 4 qua, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục chịu áp lực do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế đối ứng đối với một số đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Sau tuyên bố của ông Trump, tỷ giá tăng nhanh lên mức 26.066 VND/USD (ngày 9/4/2025), tăng 2,31% so với cuối năm 2024. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố tạm hoãn các chính sách thuế quan mới công bố, tỷ giá có xu hướng giảm. Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ và can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

Theo Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), việc tỷ giá neo ở mức cao do một số yếu tố. Thứ nhất, trong tháng 4, Kho bạc Nhà nước tiếp tục chào mua USD từ các ngân hàng thương mại với tổng trị giá 110 triệu USD, khiến nguồn cung ngoại tệ bị thắt chặt thêm. Thứ hai, trong bối cảnh tình hình thương mại đối mặt với nhiều bất ổn liên quan đến các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp có xu hướng tăng. Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm sau khi duy trì quanh ngưỡng 4 - 4,4% trong nửa đầu tháng 4 đã giảm xuống còn 2,2% vào ngày 25/4 (mức đáy trong 13 tháng), cho thấy tình trạng dư thừa của thanh khoản hệ thống. Theo đó, đã ảnh hưởng đáng kể lên chênh lệch lãi suất VND - USD và áp lực tỷ giá. Nếu như từ đầu năm tới nửa đầu tháng 4, lãi suất qua đêm USD cao hơn VND từ 0,2 - 1,2%/năm, thì gần về cuối tháng, mức chênh lệch này đã tăng mạnh lên 2,1%/năm - mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Cuối tháng 4, tỷ giá trên thị trường tự do là 26.470 đồng, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết ở mức 24.956 đồng, tương ứng tăng lần lượt 2,8% và 2,5% so với đầu năm 2025.

Ông Bill Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Cainver (chuyên về xuất khẩu gỗ) cho biết, bên cạnh rủi ro Mỹ áp thuế quan ở mức cao, tỷ giá tăng là một trong những khó khăn hiện tại của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều bạn hàng lớn của doanh nghiệp đang muốn đàm phán lại với yêu cầu giảm giá đơn hàng.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, tác động của tỷ giá với các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu là không thể tránh khỏi.

“Để vượt qua các áp lực tỷ giá, các doanh nghiệp cần chú ý bám sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và thế giới để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và đồng tiền thanh toán phù hợp, giảm dần phụ thuộc vào đồng USD. Chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang các nước khác, đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá”, ông Nam nhấn mạnh.

Đánh giá về động thái này của Fed, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng việc giữ nguyên lãi suất cho thấy thị trường/nền kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều quan ngại, đặc biệt là rủi ro đình lạm nền kinh tế. Trong đó, chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump đang đưa nền kinh tế Mỹ vào trình trạng chưa từng có tiền lệ, giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh, lạm phát kiên định ở mức cao.

Về tác động với kinh tế Việt Nam, theo ông Hiếu, tỷ giá neo ở mức cao không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà còn có thể tác động bất lợi đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang trong quá trình đàm phán thuế quan với Mỹ, nếu thuế quan được giảm từ 46% xuống mức 20 - 30% thì triển vọng sẽ tích cực hơn cho cả tỷ giá và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, cần tính toán trước các giải pháp ứng phó, hỗ trợ tích cực hơn cho doanh nghiệp về chuyển hướng thị trường, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục