FTA thế hệ mới - sức ép đổi mới tư duy

(BĐT) - Những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có mức độ cam kết cao hơn rất nhiều so với các FTA truyền thống, thậm chí có những cam kết chưa từng có ở bất kỳ một hiệp định nào trước đó. Trong khi đó, khoảng cách thực thi các cam kết này của Việt Nam so với các nước khác là khá lớn. Do đó, sức ép đổi mới tư duy của cơ quan quản lý nhà nước cũng như của doanh nghiệp là rất lớn.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nhiều chuyện cần làm

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 FTA song phương và đa phương. Các FTA này mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, ông Phòng cho rằng, chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế và đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: “Trên thế giới, gần 160 nước cùng cạnh tranh với nhau, nhưng hiếm có nước nào có phần thuế thấp như ở Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta đang đứng trước một giai đoạn mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chúng ta được hưởng nhiều ưu đãi thì cũng phải mở cửa nhiều”.

Theo các chuyên gia, khi các FTA được thực thi thì chính sách pháp luật trong nước cũng phải có sự thay đổi tương ứng để bảo đảm tính tuân thủ cam kết của Việt Nam khi tham gia. Tuy nhiên, theo ông Hà Duy Tùng, để đưa thuế suất của 65% mặt hàng từ mức 13% về 0% như cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ cần một quãng đường dài để thực hiện, trong khi các nước phát triển đưa thuế suất từ 4 - 5% về 0% là rất dễ dàng. Hơn nữa, mức bảo hộ của các nước là có chọn lọc, không dàn trải như ở Việt Nam. Đây là một sức ép rất lớn đối với cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong nước, cần phải thay đổi thái độ, tư duy.

Cần tăng tính liên kết

Để đưa thuế suất của 65% mặt hàng từ mức 13% về 0% như cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ cần một quãng đường dài để thực hiện, trong khi các nước phát triển đưa thuế suất từ 4 - 5% về 0% là rất dễ dàng. 
Một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề cập và nhấn mạnh là sự cần thiết của việc tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty CP Dự án công nghệ Nhật Hải cho rằng, thông tin là một vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Bà Tuyết đề xuất, Việt Nam cần có một quy trình liên kết doanh nghiệp như tạo lập danh bạ của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực để dễ dàng tra cứu thông tin khi cần, từ địa chỉ, website, phương thức hoạt động cho đến quy mô hoạt động của doanh nghiệp… Các thông tin này thường xuyên được cập nhật để tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường ra bên ngoài.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty Sản xuất máy nông nghiệp cho rằng, quá trình hội nhập rất cần sự hỗ trợ, kết nối. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít thì doanh nghiệp khó có thể “bơi” xa được. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như hỗ trợ về vốn, tìm kiếm đối tác nhập khẩu, đăng ký bản quyền thương hiệu…

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta hội nhập với khá nhiều thuận lợi, nhưng tận dụng tới đâu thì phải xem lại. Gạo có tiềm năng nhưng giá thấp, cà phê đứng thứ 4, thứ 5 thế giới nhưng chưa có tên tuổi… Do đó chúng ta cần xây dựng thương hiệu để tránh cảnh được mùa rớt giá, được giá mất mùa”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc tìm kiếm, tiếp cận thông tin, chứ không thể cứ thụ động chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục