Gia Lai: Điều chuyển vốn, phê bình đơn vị chậm giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 9 tháng thấp hơn bình quân cả nước, Gia Lai đang dồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu bảo đảm giải ngân 100% vốn ngân sách nhà nước năm 2022, tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao năm 2022.
Tính đến ngày 20/9/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của Gia Lai là 1.140,271 tỷ đồng, đạt 31,08% kế hoạch vốn đã giao. Ảnh: P. Nguyên
Tính đến ngày 20/9/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của Gia Lai là 1.140,271 tỷ đồng, đạt 31,08% kế hoạch vốn đã giao. Ảnh: P. Nguyên

Vướng mắc chủ yếu ở chủ đầu tư cấp tỉnh

Theo UBND tỉnh Gia Lai, công tác giải ngân đầu tư công năm 2022 của Tỉnh đã được chú trọng và triển khai quyết liệt; 4 đoàn công tác tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và thực hiện việc báo cáo tiến độ giải ngân trước 15h hàng ngày. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện, giải ngân rất chậm.

Thông tin tới Báo Đấu thầu, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Gia Lai cho biết, tính đến ngày 20/9/2022, khối lượng thực hiện 1.329,167 tỷ đồng, đạt 36,23% kế hoạch vốn đầu tư công được giao; giá trị giải ngân 1.140,271 tỷ đồng, đạt 31,08% kế hoạch vốn đã giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (45,9%), thấp hơn trung bình chung của cả nước.

Theo tổng hợp của Sở KH&ĐT Gia Lai, vướng mắc giải ngân trong đầu tư công chủ yếu tập trung ở chủ đầu tư là các sở, ban ngành của Tỉnh, khi tỷ lệ giải ngân chung của các đơn vị này mới đạt 22,7%.

Đơn cử như Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Tỉnh, đến 20/9 giải ngân mới đạt 239,753 tỷ đồng, tương ứng 22,9% kế hoạch vốn. Một số công trình triển khai thủ tục chậm, như Dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Gia Lai có tổng mức đầu tư (TMĐT) 1.200 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 là 300 tỷ đồng, mới đang lựa chọn nhà thầu thi công. Dự án Nút giao thông Phù Đổng có TMĐT 120 tỷ đồng, kế hoạch năm 2022 là 43 tỷ đồng, vốn chuẩn bị đầu tư năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 585 triệu đồng, gặp vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng do phương án đền bù đã được phê duyệt cách đây hơn 3 năm nên không còn hiệu lực; TP. Pleiku đang lập lại phương án mới để trình HĐND TP. Pleiku phê duyệt làm cơ sở triển khai, trong đó, giá đất phải làm lại từ đầu nên sẽ không đảm bảo khối lượng giải ngân vốn.

Hay Dự án Đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và năng lực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai (TMĐT 120 tỷ đồng, kế hoạch vốn 2022 là 39,8 tỷ đồng) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư cũng chậm triển khai thủ tục. Việc lập hồ sơ thiết kế, dự toán kéo dài hơn 5 tháng, từ tháng 5/2022 đến nay vì chủng loại thiết bị trong các gói thầu rất nhiều, đơn vị tư vấn lập dự toán mất rất nhiều thời gian để thu thập, thẩm định giá thiết bị. Dự án đang lựa chọn nhà thầu lập thiết kế, bản vẽ thi công…

Một số đơn vị chưa có khối lượng thực hiện (0%) lẫn giải ngân (0%) như Đài Phát thanh và Truyền hình; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Thông tin và Truyền thông; Chi cục Kiểm lâm.

Điều chuyển vốn nhiều dự án

Theo UBND tỉnh Gia Lai, có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm giải ngân, trong đó có việc các chủ đầu tư chậm triển khai thủ tục dự án. Ngoài ra còn do nguồn thu từ tiền sử dụng đất không đạt yêu cầu, dẫn đến gặp khó khăn trong bố trí vốn giải ngân cho nhiều công trình, dự án trọng điểm, đòi hỏi phải giảm vốn, giãn tiến độ các dự án từ nguồn này để phù hợp với khả năng thu ngân sách của Tỉnh.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2022, thời gian tới, UBND tỉnh Gia Lai sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư; rà soát điều chuyển vốn của dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn. Sở KH&ĐT hàng tháng công bố công khai tỷ lệ giải ngân của các đơn vị, địa phương; rà soát, đề xuất điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 cho phù hợp tiến độ thực hiện; đề xuất UBND Tỉnh phê bình đích danh các đơn vị chậm tiến độ để rút kinh nghiệm, biểu dương đơn vị giải ngân tốt…

Ngày 4/10/2022, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách địa phương, giảm vốn nhiều dự án để bố trí tăng vốn cho dự án có nhu cầu. Trong đó, đối với kế hoạch vốn năm 2022, nguồn vốn cân đối theo tiêu chí Tỉnh đầu tư, đã điều chỉnh giảm vốn 4 dự án với số vốn 114,818 tỷ đồng, gồm Dự án SH05 giảm 1,164 tỷ đồng, Dự án Xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số giảm 65,654 tỷ đồng; Dự án Cải tạo nút giao thông Phù Đổng, TP. Pleiku giảm 43 tỷ đồng; Dự án Đường nội thị Ayun Pa giảm 5 tỷ đồng. Số vốn giảm này được bố trí tăng vốn cho 13 dự án…

Đối với dự án từ nguồn tiền sử dụng đất Tỉnh đầu tư, điều chỉnh giảm vốn 21 dự án với số vốn 462,338 tỷ đồng. Một số dự án giảm vốn lớn là Dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Gia Lai giảm 102,6 tỷ đồng; Dự án Đường Lê Đại Hành (đoạn từ đường Vạn Kiếp - ngã tư Biển Hồ) giảm 61,522 tỷ đồng; Dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19) giảm 75 tỷ đồng…