Giải bài toán điện cho nền kinh tế vươn tầm - Bài 4: Tạo hành lang pháp lý mới, hóa giải thách thức thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia vào tháng 10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các cơ chế mua bán điện mới. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các cơ chế mua bán điện mới. Ảnh: Tiên Giang

Làm thế nào để đủ điện cho phát triển kinh tế, góp sức hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - là bài toán lớn cần có lời giải trong bối cảnh nhiều dự án thuộc Quy hoạch điện VIII đang chậm tiến độ, lãng phí.

Bài 4: Tạo hành lang pháp lý mới, hóa giải thách thức thiếu điện

Theo tính toán, từ nay đến năm 2030 cần 14 đến 16 tỷ USD mỗi năm cho các dự án điện và từ sau năm 2030 phải cần từ 16 đến 18 tỷ USD/năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện. Nếu Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ giúp khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật hiện hành, đồng thời khơi thông nguồn lực đầu tư vào ngành điện, hóa giải những thách thức về nguồn cung ứng điện trong quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Bổ sung các dự án, công trình điện khẩn cấp

Nhằm thể chế hóa nhiệm vụ tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp; thẩm quyền quyết định, giao các dự án, công trình điện khẩn cấp. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt các dự án, công trình xây dựng nguồn điện, lưới điện khẩn cấp trên cơ sở đánh giá, đề xuất của Bộ Công Thương hoặc UBND cấp tỉnh theo phân cấp quản lý quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chủ đầu tư các dự án điện khẩn cấp, trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công khẩn cấp theo Luật Đầu tư công và dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo Luật Đầu tư.

Về đầu tư xây dựng dự án, công trình điện khẩn cấp, Dự thảo Luật quy định, dự án khẩn cấp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (trừ các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội), được bảo lãnh Chính phủ, được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình đã được xây dựng và thực hiện bảo hành công trình, hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình và lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng, quyết toán công trình theo quy định của pháp luật và một số cơ chế khác nhằm cho phép dự án, công trình điện khẩn cấp được thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.

Gỡ vướng mắc đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án điện

Pháp luật về điện lực hiện hành không quy định nội dung lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện. Trường hợp các dự án điện lực có hơn 2 nhà đầu tư quan tâm cùng nộp hồ sơ, đề nghị thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định, về thẩm quyền, Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; UBND cấp tỉnh nơi có dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án do mình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bộ Công Thương ban hành mẫu hồ sơ mời thầu để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực (bao gồm cả mẫu hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư trúng thầu và bên mua điện) để bảo đảm thống nhất thực hiện trên toàn quốc.

Bên mua điện có trách nhiệm đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực trong khoảng thời gian xác định. Giá trúng thầu được phê duyệt là giá tối đa để bên mua điện đàm phán, ký hợp đồng với nhà đầu tư trúng thầu. Việc bổ sung cơ chế đấu thầu dự án điện được kỳ vọng sẽ thu hút và lựa chọn được các nhà đầu tư phát triển dự án thực sự có năng lực.

Thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh

Thị trường điện cạnh tranh Việt Nam đã vận hành được hơn 12 năm, cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển trước các yêu cầu mới về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi nội dung theo hướng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thị trường điện thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các cơ chế mua bán điện mới, xu hướng tiêu thụ điện “sạch” của khách hàng.

Theo hướng này, Dự thảo Luật bổ sung quy định về hợp đồng kỳ hạn điện áp dụng trong thị trường điện, đây là cơ chế để quản lý rủi ro cho các đơn vị tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về tạm ngừng, khôi phục vận hành thị trường điện cạnh tranh trong các trường hợp (thiên tai, chiến tranh, mất cân bằng cung - cầu hệ thống điện); bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện để thúc đẩy hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; bổ sung quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện cơ chế này…

Liên quan đến giá điện, thực tế giá điện hiện nay có thời điểm chưa kịp thời điều chỉnh theo các chi phí đầu vào sản xuất điện như giá nhiên liệu than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ. Đây cũng là một trong những vấn đề chưa hấp dẫn nhà đầu tư vào ngành điện.

Thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 hướng tới thị trường điện cạnh tranh, Dự thảo Luật quy định, giá bán lẻ điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ, đồng thời cũng quy định thời điểm điều chỉnh để phản ánh kịp thời biến động thực tế thông số đầu vào, bù đắp các chi phí và có lợi nhuận.

Ngoài các loại hình điện truyền thống, Dự thảo Luật quy định thẩm quyền liên quan quy định phương pháp xác định giá của dịch vụ về điện đối với hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thủy điện tích năng để đảm bảo có cơ chế phù hợp trong phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong việc cung cấp điện, an ninh hệ thống điện.

Các luật liên quan cần có quy định mở để thống nhất, đồng bộ với Luật Điện lực

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM)

Cùng với việc sửa đổi Luật Điện lực, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét một số dự án luật để sửa đổi một số luật có liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu… Các luật liên quan cần có những quy định mở để cho phép các lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành như điện lực được bổ sung các quy định đặc thù trong trường hợp cần thiết.

Bổ sung điện hạt nhân, đa dạng hóa nguồn cung

Đại biểu Hoàng Đức Chính (Hòa Bình)

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa nội dung về điện hạt nhân vào Luật cho thấy một bước quan trọng trong định hướng nguồn năng lượng quốc gia. Để loại hình điện hạt nhân phát triển bền vững, tôi cho rằng, cần xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới.

Cần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh

Đại biểu Nguyễn Việt Nga (Hải Dương)

Việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã được triển khai trong những năm gần đây, tuy nhiên các chính sách về thị trường điện cạnh tranh vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Người dân vẫn tồn tại tâm lý điện là mặt hàng độc quyền. Vì vậy, sửa đổi Luật Điện lực cần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh thực sự. Đây là giải pháp quan trọng nhằm góp phần giải bài toán về vốn để phát triển các dự án điện.

Khoảng trống pháp lý cần sớm được lấp đầy

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Luật Điện lực được ban hành cách đây tròn 20 năm, qua nhiều lần sửa đổi nhưng bối cảnh thực tiễn liên tục có sự thay đổi mạnh mẽ nên đã bộc lộ những khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy. Quốc hội cần thiết phải ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm đáp ứng nhu cầu điện hiện thực hóa những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới.

Dự thảo Luật trình Quốc hội hiện có một số vấn đề còn băn khoăn trong việc giải quyết những vướng mắc, tồn tại của các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện liên quan đến LNG, điện gió ngoài khơi cũng như giải bài toán đảm bảo điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu cứ chờ đợi để hoàn thiện mọi vấn đề thì sẽ phải cần thời gian dài mới có thể ban hành được luật mới. Tôi mong rằng, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV như đề xuất của Chính phủ; những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc được các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp phản ánh có thể ban hành nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để giải quyết.

Tin cùng chuyên mục