Giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế - Bài 4: Vào cuộc với tinh thần đặt sức khỏe người dân lên trên hết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, không ít cơ sở khám chữa bệnh rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư phục vụ bệnh nhân, nhất là thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), thuốc biệt dược, vật tư tiêu hao. Đây là vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Vậy đâu là nguyên nhân và cần có những giải pháp gì để giải quyết triệt để vấn đề này?
Để giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế, một trong những giải pháp căn cơ được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là phát huy hiệu quả của mua sắm tập trung. Ảnh: Lê Tiên
Để giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế, một trong những giải pháp căn cơ được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là phát huy hiệu quả của mua sắm tập trung. Ảnh: Lê Tiên

Bài 4: Vào cuộc với tinh thần đặt sức khỏe người dân lên trên hết

Những nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có bất cập về chính sách trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc - vật tư y tế (VTYT) đã được Chính phủ, cơ quan chức năng và các chuyên gia nhận ra. Vậy, lời giải nào cho bài toán thiếu thuốc, VTYT, cũng như hướng tới phát triển bền vững ngành y tế trong tương lai?

Gỡ vướng nhanh, sớm hoàn thiện chính sách

Tình trạng thiếu thuốc, VTYT được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh là vấn đề nghiêm trọng, cần giải quyết ngay, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với những vướng mắc về chính sách, thể chế, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát quy định để tháo gỡ nhanh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội, hiện có ít nhất 23 văn bản pháp luật liên quan cần rà soát, sửa đổi trong lĩnh vực thuốc, VTYT như: Nghị định (NĐ) số 54/2017/NĐ-CP, NĐ số 155/2018/NĐ-CP, Thông tư (TT) số 15/2019/TT-BYT, các TT về danh mục (DM) thuốc… Trong đó, cần sớm ban hành TT thay thế TT số 32/2018/TT-BYT; sửa đổi các TT số 14/2020/TT-BYT, TT số 58/2016/TT-BTC; sớm sửa đổi NĐ số 98/2021/NĐ-CP (NĐ 98) và ban hành TT hướng dẫn…

Riêng đối với các DM thuốc, VTYT đấu thầu tập trung, theo ông Phạm Minh Hóa - Trưởng phòng Tài sản xác lập sở hữu toàn dân của Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính, Bộ Y tế cần rà soát để cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế theo thẩm quyền được Chính phủ giao tại NĐ số 63/2014/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại các DM thuốc, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả BHYT để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng khung giá trần, cũng như cân đối thu - chi của Quỹ. Hiện nay, số lượng của DM 1.030 thuốc hóa dược - sinh phẩm, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; DM 578 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; DM 9.190 dịch vụ kỹ thuật đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT tại Việt Nam là quá lớn so với nhiều nước có điều kiện tương đồng (Thái Lan là 660 thuốc, Indonesia là 601 thuốc…).

Trong khi chờ hoàn thiện thể chế, một hiệp hội DN nước ngoài khuyến nghị, Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ gia hạn Giấy đăng ký lưu hành (ĐKLH) và cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 đến hết ngày 31/12/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, đề nghị quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cùng toàn thể cán bộ, nhân viên ngành y tế phải tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm; xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các công việc trong trung hạn và dài hạn. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm và khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, VTYT. Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Hiến kế giải pháp trước mắt, một số ý kiến cho rằng, đây là trường hợp cấp bách, cần áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách như Quốc hội từng ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Theo đó, xem xét cho phép áp dụng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu đối với một số thuốc, VTYT mua qua tổ chức quốc tế (TCQT).

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia thuộc Bộ Y tế, các TCQT tổ chức mua sắm thuốc, VTYT với số lượng lớn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế, nên hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá thường cạnh tranh hơn và nguồn hàng ổn định. Một số mặt hàng do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) mua có giá chỉ bằng 20% giá kế hoạch của DM đàm phán giá (được xây dựng dựa trên giá trúng thầu của năm trước).

Thực tế, nhiều quốc gia đã thực hiện theo cơ chế mua sắm này và trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cơ chế mua qua các TCQT đã được Chính phủ mở ra tại Nghị quyết 79/NQ-CP ngày 22/7/2021. UNDP từng hỗ trợ Bộ Y tế mua thành công máy xét nghiệm PCR chỉ trong 2 tháng; vắc xin 5 trong 1… Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hỗ trợ mua được vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất thông qua cơ chế Covax…

Thời gian qua, theo bà Bảo, có nhiều đề xuất thuê TCQT mua một số thuốc nhưng chưa thành công, do quan ngại về tính pháp lý vì các TCQT không phải là DN/nhà thầu/nhà sản xuất, chưa có cơ chế thanh toán BHYT, phải có gói thầu cung ứng dịch vụ hậu cần, bàn giao tại CSYT trong khi TCQT chỉ giao hàng tại cửa khẩu…

Nếu không có chính sách đột phá, chỉ đạo thống nhất giữa các bộ, ngành, thì một số DN dược phẩm lo ngại nguy cơ kéo dài đàm phán giá đối thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh khiến DN phải gia hạn/duy trì tiếp hiệu lực giấy đăng ký lưu hành, phải hủy thuốc hoặc không thể cung ứng, ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Để giải quyết nhanh những tình huống mới phát sinh, sớm có thuốc, VTYT, đại diện một hiệp hội DN cùng lãnh đạo một số bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108… kiến nghị, Chính phủ xem xét thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia để giải quyết kịp thời, gỡ nhanh “nút thắt” như: phân cấp rõ trách nhiệm kiểm soát giá, xây dựng dữ liệu liên thông về giá, khung giá trần… Tương tự, ở cấp địa phương có Tổ công tác liên ngành do một lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo.

Trong trường hợp cần kíp, ông Lộc gợi ý, Chính phủ có thể đề xuất Quốc hội ban hành 1 luật sửa nhiều luật. Song để giải quyết được tận gốc vấn đề, cần đẩy nhanh việc sửa đổi các luật liên quan như: Luật Dược, Luật Đấu thầu… và xây dựng Luật riêng về trang thiết bị y tế theo hướng quản lý rủi ro, tăng hậu kiểm.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động mua sắm tập trung

Bên cạnh các kế sách nhằm giải quyết tình trạng “cấp bách” nêu trên, một trong những giải pháp căn cơ lâu dài được nhiều chuyên gia nhấn mạnh, đó là phát huy hiệu quả của mua sắm tập trung (MSTT) thuốc và VTYT.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan:

Nhiệm vụ trong thời gian tới rất nhiều và phải làm đồng thời, bởi vì sức khỏe của nhân dân là vốn quý, chờ đợi 1 giây sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của rất nhiều người. Quan trọng nhất là sự phân công làm sao để từng đơn vị trong Bộ Y tế hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình. Trước mắt là rà soát lại các văn bản chỉ đạo, xác định rõ vai trò của từng bộ ngành, làm tốt công tác của mình và tăng cường phối hợp để tháo gỡ khúc mắc. Vấn đề gì khó quá thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, từ kết quả thực hiện thời gian qua, mô hình MSTT tiếp tục được khẳng định là cần thiết, nhất là trong lĩnh vực y tế, bởi DM thuốc, VTYT do Quỹ BHYT chi trả chiếm tới 90% nhu cầu sử dụng, trong đó tiền mua thuốc chiếm phần lớn, tới 60% (khoảng 40.000 tỷ đồng/năm). Mua sắm với số lượng lớn có nhiều lợi ích hơn so với riêng lẻ như: minh bạch; vừa đảm bảo chất lượng vừa có giá cạnh tranh, thống nhất một mặt bằng giá trên cả nước; có thể điều phối kịp thời giữa các CSYT khi có biến động nhu cầu; chuyên nghiệp hóa; đồng thời giúp DN chủ động được kế hoạch sản xuất, kinh doanh…

Để phát huy tối đa hiệu quả của MSTT trong ngành y tế, ông Hoàng Tuân - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính thuộc Sở Tài chính TP. Hà Nội cho rằng, cần phải chuyên nghiệp hóa mô hình hoạt động và đội ngũ thực thi. Thay vì giao y - bác sĩ phụ trách, thì cần tuyển một đội ngũ có chuyên môn về kinh tế, tài chính, am hiểu về mua sắm, đấu thầu.

Thêm vào đó, tại một hội thảo, một cán bộ của UNDP tại Việt Nam cho rằng, quy trình mua sắm phải đảm bảo tính minh bạch, độc lập giữa các bộ phận và có sự giám sát chéo, tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức công vụ.

Tin cùng chuyên mục