Giải ngân đầu tư công tại Quảng Nam: Nhiều dự án chậm từ khâu chọn nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần hết 10 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Nam mới đạt 45,5% kế hoạch (9.200 tỷ đồng). Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong số các nguyên nhân khiến giải ngân bị chậm có công tác đấu thầu bị kéo dài, đặc biệt nhiều nhà thầu vi phạm lập hồ sơ quyết toán theo quy định.
Gần hết 10 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Nam mới đạt 45,5% kế hoạch. Ảnh minh họa: Nguyễn Hoàng
Gần hết 10 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Nam mới đạt 45,5% kế hoạch. Ảnh minh họa: Nguyễn Hoàng

Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Quảng Nam, tổng vốn đầu tư 92 tỷ đồng là một trong những dự án được Tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư công từ đầu năm 2023. Theo kế hoạch, Dự án được khởi công xây dựng trong quý I/2023. Tuy nhiên, Dự án đến nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng. Theo ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, dù đã rất nỗ lực, song đến nay gói thầu xây lắp thuộc Dự án mới hoàn thành lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị thương thảo hợp đồng.

“Đấu thầu qua mạng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhà thầu tham dự với số lượng đông bất thường là một áp lực về thời gian cho Chủ đầu tư”, ông Sơn phân tích.

Theo tìm hiểu, gói thầu trên thu hút 2 nhà thầu độc lập và 6 liên danh nhà thầu tham dự, với tổng số 24 nhà thầu. “Mỗi hồ sơ dự thầu gồm nhiều nhà thầu liên danh với nhau nên việc đánh giá hồ sơ tốn nhiều thời gian (do phải đánh giá chi tiết từng thành viên liên danh) khiến Dự án bị chậm tiến độ. Hệ quả là 37 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án trong năm 2023 khó giải ngân hết”, ông Sơn lý giải. Cũng theo ông Sơn, các gói thầu do Ban làm Chủ đầu tư trong năm 2022 - 2023 có số lượng nhà thầu tham dự đông đảo, khiến công tác lựa chọn nhà thầu liên tục bị kéo dài hơn so với thời gian quy định.

Không chỉ tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, tình trạng một gói thầu có số lượng lớn nhà thầu dự thầu cũng phổ biến tại huyện Núi Thành. Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình: bảo dưỡng, sửa chữa các trường học trên địa bàn Huyện năm 2022 do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Núi Thành làm Chủ đầu tư có giá gần 10 tỷ đồng, nhưng khi mở thầu có 7 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, tạo áp lực lớn về mặt thời gian để đánh giá, lựa chọn nhà thầu.

Ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Quảng Nam cho rằng, việc có nhiều nhà thầu tham dự sẽ tăng tính cạnh tranh cho gói thầu, tuy nhiên cũng tạo khó khăn cho đơn vị tư vấn và chủ đầu tư trong quá trình chấm thầu, khiến thời gian phải kéo dài hơn quy định, kéo theo nguồn vốn bố trí cho dự án chậm được giải ngân. Việc chậm trễ cần nhìn nhận ở 2 khía cạnh, đó là do năng lực đánh giá hồ sơ của đơn vị tư vấn mời thầu, bên mời thầu và số lượng nhà thầu tham dự thầu. Theo đại diện Sở KH&ĐT Quảng Nam, những vấn đề này sẽ được Sở theo dõi, giám sát và báo cáo UBND Tỉnh về công tác đấu thầu trong dịp cuối năm.

Không chỉ công tác đấu thầu kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công, Sở KH&ĐT Quảng Nam cho biết còn có tình trạng nhà thầu chậm làm thủ tục thanh quyết toán.

Theo đó, cuối tháng 9/2023, Sở KH&ĐT Quảng Nam đã có công văn gửi Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, trong đó báo cáo 20 nhà thầu vi phạm lập hồ sơ quyết toán theo quy định. Trong số này, huyện Núi Thành dẫn đầu với 8 nhà thầu không phối hợp, hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán, gồm: Hợp tác xã Cơ khí Vĩnh Phú; Công ty TNHH Tư vấn thiết kế 599 Quảng Nam; Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Đại Bình An; Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và xây dựng Đông Tây; Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Nguyên Công; Công ty TNHH Đức Phát Thịnh; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Đức Phát Thịnh; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phước Lộc; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng tổng hợp Gia Nguyễn. Tại huyện Tiên Phước, có nhà thầu là Công ty CP Xây dựng công trình Hoàng Thông. Tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch là Công ty CP Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Thanh niên xung phong Quảng Nam. Ở huyện Hiệp Đức là Công ty TNHH Xây dựng Chín Phước; Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ TECHPA. Tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là Công ty CP Sao Kim Việt. Tại huyện Đại Lộc là Công ty TNHH Xây dựng Quốc Nghĩa - Đông Giang...

Trong số các nhà thầu trên, đến nay có 3 nhà thầu đã khắc phục và được đưa ra khỏi danh sách là Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Đại Bình An; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phước Lộc và Công ty TNHH Xây dựng Quốc Nghĩa - Đông Giang. Theo Sở KH&ĐT Quảng Nam, các nhà thầu chưa hoàn thành thủ tục thanh quyết toán sẽ không được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới cho đến khi khắc phục xong hành vi vi phạm và được đưa ra khỏi danh sách nhà thầu vi phạm.

Tin cùng chuyên mục