Giảm chi phí logistics tại Việt Nam: Lựa chọn chính sách và đầu tư trọng tâm

(BĐT) - Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, mọi hoạt động thương mại đều dựa vào chuỗi cung ứng để kết nối các địa điểm sản xuất và tiêu thụ trong và ngoài nước.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ xe vận chuyển hàng hóa đường bộ chạy không tải chặng về tại Việt Nam lên đến 50 - 70%. Ảnh: Tường Lâm
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ xe vận chuyển hàng hóa đường bộ chạy không tải chặng về tại Việt Nam lên đến 50 - 70%. Ảnh: Tường Lâm

Nâng cấp các chuỗi cung ứng này thông qua việc tăng cường hiệu quả ngành logistics, vốn được coi là “xương sống” của hoạt động thương mại, có thể giúp Việt Nam giữ vững vị trí cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế.

Thách thức hiện tại

Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả ngành vận tải đường bộ Việt Nam nhằm giảm thiểu chi phí logistics, giảm khí thải GHG và Chiến lược phát triển bền vững ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam, diễn ra ngày 28/3/2019 tại Hà Nội, bà Yin Yin Lam, chuyên gia cao cấp ngành giao thông vận tải (GTVT) của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, vận tải hàng hóa đường bộ có quan hệ mật thiết với chi phí logistics và phát thải khí nhà kính. Là phương thức vận chuyển hàng hóa chủ yếu ở Việt Nam, vận chuyển hàng hóa đường bộ chiếm tới 77% lưu lượng hàng hóa vận chuyển nội địa. Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 21% GDP, tỷ lệ khá cao so với thế giới.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, kết cấu hạ tầng đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chi phí và hiệu quả của hoạt động giao nhận vận tải hàng hóa đường bộ. Vì thế, một hệ thống giao thông vận tải hiệu quả và đáng tin cậy với kết cấu hạ tầng xương sống phát triển đầy đủ sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu được chi phí logistics, có ý nghĩa thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Việt Nam có mật độ mạng lưới đường bộ dày đặc nhưng hơn 50% đường sá là đường giao thông nông thôn; quốc lộ và đường cao tốc chỉ chiếm khoảng 7% tổng số mạng lưới đường bộ, tỷ lệ đường không rải nhựa còn lớn, chất lượng xây dựng và bảo trì kém, nên chỉ số xếp hạng của Việt Nam nằm ở mức thấp trong chỉ số cạnh tranh toàn cầu về chất lượng đường của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế chỉ ra rằng, một thách thức lớn hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt là tình trạng manh mún của thị trường làm cản trở khả năng tập trung hàng hóa. Mỗi công ty vận hành trung bình 5 chiếc xe tải, do đó với khối lượng hàng hóa lớn, chủ hàng cần phải liên hệ với nhiều công ty vận tải mới có thể chuyên chở được khối lượng hàng hóa đó. Do lượng thông tin hạn chế, việc kết nối cung - cầu vẫn chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng xe chạy không tải chặng về khá nhiều, làm tăng chi phí vận chuyển và mức độ phân mảnh ngành vận tải hàng hóa đường bộ. Theo kết quả khảo sát phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ toàn quốc của WB, tỷ lệ xe chạy không tải chặng về tại Việt Nam lên đến 50 - 70%. 

Cần đầu tư trọng tâm

Theo bà Yin Yin Lam, muốn giảm chi phí logistics, Việt Nam cần hỗ trợ cho việc vận chuyển hàng hóa đa phương thức liền mạch tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần lựa chọn chính sách phát triển kết cấu hạ tầng tập trung vào các cảng và kết cấu hạ tầng đường bộ, kết cấu hạ tầng như các trung tâm logistics hỗ trợ gom hàng. Cụ thể, Việt Nam cần cải thiện kết cấu hạ tầng để giảm ùn tắc xe tải xung quanh các cảng; thúc đẩy việc sử dụng vận tải container bằng xà lan để tăng mức sử dụng giao thông đường thủy nội địa; xúc tiến vận tải ven biển trên tuyến đường Bắc - Nam; liên kết các trung tâm logistics với các trung tâm tập kết hàng hóa nội đô trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn.

Về phương án chính sách, ông Ousmane Dione đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần lựa chọn chính sách phía cầu tập trung vào việc cải thiện khả năng kết nối cung - cầu thông qua việc thúc đẩy các công ty môi giới và các mô hình công ty dịch vụ vận tải trung gian kỹ thuật số sáng tạo trong lĩnh vực logistics, giúp cải thiện hiệu quả sử dụng đội xe và hoạt động tổ chức của ngành vận tải. Cụ thể là cần xây dựng một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy sự phát triển các nền tảng công nghệ logistics; tăng cường đầu tư trong các mô hình gom hàng kỹ thuật số…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, với các khuyến nghị của WB, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để đưa ra những giải pháp thúc đẩy phát triển ngành GTVT trong thời gian tới. Đặc biệt, qua những khuyến nghị của WB, Bộ GTVT sẽ đưa ra những giải pháp để giảm chi phí logistics, tăng cường đầu tư cho việc phát triển đường thủy nội địa.