Nhiều cơ sở kinh doanh lúng túng trong áp thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10% hay 8% cũng như xử lý phần chênh lệch. Ảnh: Nhã Chi |
Một công ty trong ngành nhựa có trụ sở tại Bình Dương cho biết, trong tháng 1/2022 có nhập 10 tấn hạt nhựa nguyên sinh với thuế suất thuế GTGT là 10%. Đến ngày 10/2, số nhựa này được bán cho khách sau khi gia công sẽ có thuế suất 8% hay 10%? “Bộ phận kế toán của Công ty đọc nghị định, tra cứu phụ lục và cùng nhau thảo luận nhưng vẫn không rõ hóa đơn GTGT sẽ xuất theo mức thuế nào cho đúng. Tôi có hỏi cán bộ thuế phụ trách thì được hướng dẫn cần đọc kỹ nghị định”, kế toán thuộc doanh nghiệp này chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn K, Giám đốc Công ty TNA (Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực xây lắp cũng băn khoăn, công trình hoàn thành thì thuế suất thuế GTGT là 10% hay 8%, vì nguyên liệu đầu vào (sắt, thép xây dựng, đá ốp lát, sơn…) nhập tháng 12/2021 có thuế suất 10%. Nếu thuế suất đầu ra là 8% thì phần chênh lệch sẽ được xử lý ra sao?
Cùng chung lo ngại, chị Mai Thị Huệ, chủ chuỗi siêu thị bán lẻ chia sẻ, việc rà soát, tính toán thuế suất và giá bán của vài trăm mặt hàng khiến 2 kế toán phải làm mất 3 ngày. Thêm nữa, việc quy định phải xuất hai hóa đơn cho nhóm hàng có thuế suất 10% và thuế suất 8% gây nhiều lúng túng, chưa thật sự tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh. Đơn cử, trong giỏ hàng của khách gồm sữa, mỳ tôm, bánh kẹo, bia, nước giặt…, những mặt hàng được giảm thuế xuống 8% thì phải xuất hóa đơn riêng, còn rượu, bia là sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên thuế suất GTGT vẫn giữ 10% thì phải xuất hóa đơn riêng. Trong khi trước đây, hóa đơn xuất ra gồm cả những mặt hàng có thuế suất 5% và 10%.
“Để tạo thuận lợi cho người mua hàng, trong mấy ngày đầu tháng 2, cứ những mặt hàng có thuế suất thuế GTGT 10% là chúng tôi áp dụng thuế suất 8% hết và chấp nhận bù phần chênh lệch. Thế nhưng đến nay, theo thông tin từ cơ quan thuế, bên bán sẽ bị truy thu 2% cùng tiền chậm nộp và phạt do kê khai sai. Rõ ràng chính sách rất tốt nhưng doanh nghiệp thực thi gặp nhiều khó khăn”, chị Huệ than thở.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện chính sách này và người tiêu dùng được hưởng lợi theo đúng mục tiêu của chính sách, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể những thắc mắc của người kinh doanh. Tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã nêu rất rõ: Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc giao Bộ Tài chính hướng dẫn, giải quyết.
“Nếu người bán hàng không xuất được hóa đơn, hoặc xuất mà chưa chắc chắn mức thuế GTGT là bao nhiêu, có đúng hay không và lo nơm nớp bị phạt thì rõ ràng hướng dẫn triển khai chính sách đang gặp vấn đề”, ông Tú nhận định.