Gỡ điểm nghẽn, tạo động lực tăng trưởng dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều dự báo, năm nay tăng trưởng trên 7% là “trong tầm tay”. Tuy nhiên, nếu nhìn sang năm 2023 và cả kế hoạch 5 năm, cần nỗ lực rất lớn để duy trì đà tăng trưởng cao khi khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp mà chúng ta có thể chủ động là tháo gỡ nhanh chóng điểm nghẽn để phát huy hơn nữa những động lực tăng trưởng nội tại.
Đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng cho các tháng cuối năm và năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng cho các tháng cuối năm và năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đại diện các tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước đánh giá rất cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam, khi là quốc gia đang đi ngược lại vòng xoáy suy thoái của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh nhiều bất định, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, duy trì đà phục hồi tăng trưởng cao. Các ý kiến nhận định, kết quả này không phải ngẫu nhiên, mà từ giải pháp điều hành kinh tế, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như là "nghệ thuật" điều hành. Các dự báo đều lạc quan về tăng trưởng năm 2022, với mức tăng trưởng trên 7%.

Tuy nhiên, thời điểm này vấn đề lưu tâm không chỉ là tăng trưởng của năm 2022 mà là duy trì đà tăng trưởng dài hơi. Theo ông Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dự báo tăng trưởng năm nay là 7,5% chắc chắn sẽ thành công, nhưng cái khó là năm tới sẽ như thế nào khi dựa trên nền tăng trưởng cao của năm 2022? Những động lực tăng trưởng như xuất khẩu, thu ngân sách… năm 2023 sẽ còn dư địa nào để phát triển, trong khi kinh tế thế giới năm 2023 đang được dự báo là “mùa đông kinh tế”?

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, nếu phân tích kỹ mục tiêu tăng trưởng trong cả nhiệm kỳ, năm trước đạt 2,5%, năm nay có thể đạt 7,5% thì qua 2 năm mới đạt 5,5%. Trong khi đó, mục tiêu của cả nhiệm kỳ là 6,5 - 7%, đòi hỏi trong 3 năm còn lại phải nỗ lực rất lớn.

Theo ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng qua tăng trưởng kinh tế cao có nguyên nhân rất quan trọng là cầu trong nước cao, đặc biệt xuất khẩu tăng cao. Nhưng trong 4 tháng còn lại các nước thị trường chính của Việt Nam đều rất khó khăn, suy thoái, đặt ra bài toán cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Về chính sách tiền tệ, chúng ta neo tỷ giá, nhưng trước việc tăng lãi suất của FED, ECB, chúng ta neo tỷ giá như vậy thì tác động đến xuất nhập khẩu, đồng vốn như thế nào? Ông Cao Viết Sinh cho rằng, trong lúc này vừa cần có giải pháp sát sườn cho quý IV vừa cần giải pháp dài hơi.

Theo nhiều ý kiến, giải pháp có thể làm ngay, cần làm ngay là tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn để khơi thông, phát huy những động lực tăng trưởng còn dư địa.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh phân tích, cuối năm nay và năm 2023, động lực cho xuất khẩu sẽ suy giảm đáng kể. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường hay mở rộng thị trường sẽ là giải pháp quan trọng. Về đầu tư, đầu tư công là khâu quyết định chiếm 1/3 tổng đầu tư xã hội cả năm, hiện đang giải ngân rất chậm nhưng sẽ là cú huých cho các tháng cuối năm và cả năm sau. Ngoài ra, mức tiêu dùng năm tới có thể sẽ không như năm nay vì người tiêu dùng thắt chặt kinh tế một phần và việc tiêu dùng kiểu "trả thù" do bị kiềm chế lâu bởi dịch bệnh cũng bớt dần, du lịch nội địa cũng giảm đi, sẽ phụ thuộc nhiều vào lượng khách quốc tế. Do đó, các chính sách visa làm sao để thu hút được thêm du khách quốc tế là việc quan trọng.

GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần tăng đầu tư công và đầu tư của khu vực doanh nghiệp. Theo ông Cường, hiện nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp, chỉ đạo của Chính phủ đã rất quyết liệt, có lẽ vướng nhất là e ngại của các nhà quản lý địa phương, pháp luật chưa đồng bộ, còn những điểm còn chồng chéo, không xử lý được. Chính phủ cần mạnh dạn đề nghị Quốc hội cho phép cơ chế nếu như các điều khoản chồng chéo thì có thể lựa chọn một quy định phù hợp nhất để xử lý các vướng mắc về đầu tư công. Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề trong hoạt động đầu tư tư nhân như khuyến khích phát triển kinh tế xanh hay vấn đề phát triển hệ thống bất động sản, nếu không được tháo gỡ sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế…

Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, nếu đặt mục tiêu toàn bộ nhiệm kỳ tăng trưởng 6,5 - 7%, thì cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng khác đó là động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế. Ông Cung chỉ ra, tăng trưởng của miền Đông Nam Bộ và khu vực sông Hồng chiếm 60% GDP và nếu 2 vùng này tăng trưởng 9 - 10% thì cả nước sẽ tăng trưởng 7 - 8%. Do đó, cần có một hệ thống khuyến khích đầu tư mới để thu hút nguồn lực vào những vùng đô thị phát triển. “Đó là cách chúng ta tạo động lực tăng trưởng, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng”, ông Cung nêu quan điểm.