Gỡ nút thắt vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam: Giám sát để cơ chế đặc thù phát huy hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được xem là giải pháp tháo gỡ nút thắt khan hiếm vật liệu, gỡ khó cho nhà thầu. Theo ý kiến của một số nhà thầu, để đưa cơ chế đặc thù này vào cuộc sống cần có các biện pháp giám sát thực hiện.
Việc thực thi cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phần lớn do các địa phương triển khai thực hiện. Ảnh: Phạm Trọng
Việc thực thi cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phần lớn do các địa phương triển khai thực hiện. Ảnh: Phạm Trọng

Trước thực trạng các gói thầu cao tốc bị “mắc kẹt” tiến độ vì khan hiếm nguồn vật liệu thi công, việc ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP cho thấy Chính phủ đã có biện pháp xử lý nhanh, quyết liệt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, thời gian qua, việc đồng loạt triển khai thi công các tuyến cao tốc dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao, nguồn cung vật liệu khan hiếm do trữ lượng khai thác ở mỏ không đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng “đầu nậu”, đầu cơ làm đội giá vật liệu khiến nhà thầu lao đao, gần như bế tắc trước nguy cơ vỡ trận về tiến độ. Việc Chính phủ cho phép các địa phương có Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua được áp dụng cơ chế đặc thù phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã có trong quy hoạch, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; nâng công suất không quá 50% ghi trong giấy phép khai thác đối với các mỏ khoáng sản đang hoạt động… sẽ góp phần tăng nguồn cung vật liệu xây dựng. Để chính sách này đi vào cuộc sống, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế giám sát để nguồn cung vật liệu xây dựng từ cơ chế đặc thù này “chảy” vào đúng nơi, đúng chỗ, rót vào đúng các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế giám sát để nguồn cung vật liệu xây dựng từ cơ chế đặc thù “chảy” vào đúng nơi, đúng chỗ, rót vào đúng các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam.

Một nhà thầu tại Thanh Hóa cho biết, khi các mỏ đang hoạt động phải chia sẻ, cung cấp cho nhiều dự án cùng lúc, một số chủ mỏ đã ưu tiên vật liệu xây dựng từ mỏ có cự ly gần cho các dự án khác của địa phương chứ không ưu tiên cung cấp cho nhà thầu thi công cao tốc. Bên cạnh đó, có hiện tượng đầu cơ, om vật liệu xây dựng để ép nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phải mua vật liệu với giá cao.

Theo một cán bộ của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, việc thực thi cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phần lớn do các địa phương triển khai thực hiện. Việc vận dụng cơ chế này tùy thuộc vào quyết tâm và sự nhận thức riêng của từng địa phương. Nếu không linh hoạt, địa phương sẽ áp dụng cơ chế đặc thù có “điều kiện”, chẳng hạn như việc cấp phép khai thác khoáng sản không đấu giá quyền khai thác nhưng các thủ tục còn lại vẫn phải thực hiện đầy đủ theo quy định như: Thăm dò, phê duyệt trữ lượng, chủ trương đầu tư, thiết kế, cấp quyền, cấp phép khai thác, thuê đất… Việc hoàn thành những thủ tục này cũng mất hàng năm mới có vật liệu làm cao tốc.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu, nhà đầu tư bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành có cơ chế kiểm tra, giám sát việc áp dụng cơ chế đặc thù nêu trên tại các địa phương. Từ đó có những đánh giá cụ thể về hiệu quả của chính sách để tháo gỡ khó khăn từ “gốc” cho các nhà thầu, nhà đầu tư, bảo đảm tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc huyết mạch này.

Tin cùng chuyên mục