Tiến độ giải ngân chậm làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Ảnh: Lê Tiên |
Lãng phí vì chậm giải ngân
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tình hình giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1.850 triệu USD, giảm khoảng 3,5% so với mức 1.917 triệu USD của cùng kỳ năm 2015; trong đó, vốn vay ước đạt 1.750 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 100 triệu USD.
Nguyên nhân khiến việc giải ngân chậm trễ chủ yếu là do vướng mắc về các thủ tục pháp lý; còn thiếu các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; một số dự án chậm tiến độ do điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, còn phải kể đến những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng và đặc biệt là do không được giải ngân vượt kế hoạch đã được giao hàng năm theo tinh thần Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước mà Quốc hội đã ban hành trong năm 2016.
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc ngành KH&ĐT mới đây, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, ước tính đến năm 2020, Hà Nội có thể giải ngân 70 ngàn tỷ đồng. Mặc dù vậy, năm nay Thành phố chỉ được giao kế hoạch rất thấp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cũng như tiến độ theo cam kết với nhà tài trợ. Việc chậm giải ngân vốn cho các dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Đặc biệt, trong bối cảnh thời gian ân hạn cho vay vốn đang ngày càng ngắn lại, giải ngân chậm, tiến độ hoàn thành dự án kéo dài càng gây bất lợi và tăng gánh nặng trả nợ.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị: Trước mắt, đối với các dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2016, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân số vốn này theo đúng tiến độ và khả năng cấp vốn của nhà tài trợ, sớm hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư. Còn đối với các dự án mới, theo cơ chế mới, sẽ chuyển dần từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho vay lại, địa phương phải sử dụng vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương để hoàn trả toàn bộ hoặc một phần các khoản vốn vay.
Lựa chọn kỹ càng dự án đầu tư
Liên quan đến việc huy động vốn đầu tư theo hình thức PPP, theo nhận định của Bộ KH&ĐT, nhu cầu đầu tư theo hình thức PPP của các bộ, ngành và địa phương là rất lớn. Tổng mức đầu tư các dự án là một triệu tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn nhà nước tham gia là 160 nghìn tỷ đồng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước. “Bộ KH&ĐT, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đang tổng hợp báo cáo tổng thể cơ chế vốn nhà nước đối với dự án PPP, trong đó sẽ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nguồn vốn tư nhân. Đối với các dự án quan trọng đầu tư theo hình thức PPP, các địa phương cần ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam sắp tới hạn “tốt nghiệp” ODA, do đó các điều kiện vay ưu đãi ít hơn, thời gian vay ân hạn cũng ngắn hơn trước rất nhiều. “Hiện nay đã có chủ trương cho tư nhân vay ODA. Chính phủ sẽ xem xét kỹ các đề xuất của các địa phương, đồng thời triển khai rà soát lại vấn đề quản lý vốn ODA để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này” - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Còn đối với thu hút vốn đầu tư PPP, Phó Thủ tướng Huệ khẳng định, tới đây cần có hội nghị chuyên đề về đầu tư PPP để đánh giá hàng loạt các vấn đề về thể chế, danh mục huy động cũng như việc công khai, minh bạch và hiệu quả quản trị dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giúp huy động dòng vốn tiềm năng từ khu vực tư nhân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.