Gỡ vướng thể chế, tạo động lực bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế 7 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực và cao hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực. Mục tiêu bứt phá để đạt tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7% đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, với quan điểm chỉ đạo chung là tháng sau đạt kết quả cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thành quả năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023.
Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi xanh… Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi xanh… Ảnh: Lê Tiên

Nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng, Thủ tướng nêu bật nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực. Trong đó, khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023; tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Có 60/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt dù thực hiện tăng lương từ tháng 7/2024, các cân đối lớn được bảo đảm…

Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5 - 1 điểm phần trăm. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên mức 6,5% (trước đó là 6%). Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam tăng lên 6,3%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường như: sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn, lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát, rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu, sự phân mảnh và không chắc chắn về chính sách thương mại…

Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Thêm giải pháp tạo đột phá

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Thủ tướng yêu cầu cần đề xuất những cơ chế, chính sách giải pháp, các lĩnh vực trọng tâm, tạo đột phá trong tháng 8, quý III và những tháng cuối năm (ngoài các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp bao trùm cho cả năm trong Nghị quyết 01, 02 năm 2024), đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%.

Trao đổi tại Phiên họp Chính phủ về giải pháp để tạo đột phá cho tăng trưởng, Thủ tướng gợi mở: "Phải chăng là quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc liên quan thể chế, tập trung thi hành tốt các luật mới được ban hành và đã có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng? Phải chăng là các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phản ứng chính sách tốt hơn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…?”. Thủ tướng nêu rõ, tinh thần là làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả", tăng cường giám sát, kiểm tra, triển khai thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời.

Trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp Chính phủ, giải pháp về thể chế được nêu ra đầu tiên. Theo đó, cần khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.

Những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nhóm giải pháp này là rà soát các vướng mắc, điểm nghẽn, nhất là các vấn đề cốt lõi, cấp bách cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật, đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả nhằm xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. Nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng các nghị quyết thực hiện thí điểm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Đồng thời, tổng kết việc thực hiện cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ để nghiên cứu xem xét, trình cấp có thẩm quyền việc mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.

Các cấp, ngành, địa phương tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản theo thẩm quyền trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc...