Thực tiễn hoạt động của các hợp tác xã làm nảy sinh nhu cầu về hình thức liên kết mới nhằm tập trung sức mạnh đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thế giới. Ảnh: Nhã Chi |
Tại Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác đa dạng và bền vững ở Việt Nam: Giao dịch nội bộ và liên đoàn hợp tác xã” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada tổ chức ngày 9/3/2023, các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra khuyến nghị triển khai mô hình liên đoàn HTX như một giải pháp tất yếu để tăng quy mô, tạo chuỗi sản xuất, kinh doanh chuyên môn hóa cao, từ đó tăng sức cạnh tranh cho các tổ chức kinh tế hợp tác và vươn ra thị trường xuất khẩu.
TS. Robby Tulus - chuyên gia từ Công ty Tư vấn quốc tế Alinea cho biết, liên đoàn HTX là mô hình liên kết các HTX trong một ngành, lĩnh vực cụ thể, tiến hành các hoạt động kinh tế phục vụ lợi ích của thành viên. Mô hình liên đoàn HTX khá phổ biến và chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan… đều có quy định về liên đoàn HTX trong Luật HTX hoặc luật chuyên sâu trong lĩnh vực cụ thể của HTX (Luật HTX nông nghiệp, Luật HTX tiêu dùng…).
Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, cần thiết bổ sung chế định về liên đoàn HTX trong Luật HTX (sửa đổi), bởi việc liên kết các HTX dưới hình thức liên đoàn phù hợp với nguyên tắc hợp tác giữa các HTX. Thực tiễn hoạt động của các HTX nảy sinh nhu cầu về hình thức liên kết mới, đặc biệt trong những lĩnh vực ngành nghề cần tập trung sức mạnh để đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thế giới. Hơn nữa, liên đoàn HTX thể hiện quyền tự do kinh doanh, tự do liên kết của các HTX, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đa dạng hóa các hình thức tổ chức kinh tế tập thể.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, kinh nghiệm quốc tế và các ý kiến trao đổi, thảo luận cho thấy, về cơ bản, đến thời điểm này, Việt Nam cần có các quy định về khung pháp lý ở mức cao nhất (tầm luật) để tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của mô hình liên đoàn HTX. Đây là mô hình tự nguyện, tự chủ của các HTX và liên hiệp HTX, không phải tổ chức do Nhà nước thành lập, không có sự bao cấp từ Nhà nước. Mô hình này đã phát triển từ rất lâu ở nhiều nước trên thế giới và hỗ trợ rất đắc lực cho các HTX thành viên. Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo "nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn HTX hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực". Tuy nhiên, hiện thiếu khung pháp lý cho hoạt động của mô hình này. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần ban hành nghị quyết, quy định đặc thù, thí điểm nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của mô hình liên đoàn HTX.
Theo ông Vũ Mạnh Nam đến từ Liên minh HTX Hà Nội, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về chức năng hoạt động kinh tế của liên đoàn HTX như cùng mua nguyên liệu, cùng bán sản phẩm, bảo quản, chế biến, vận chuyển… Bên cạnh đó, liên đoàn còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên; tư vấn, giáo dục, đào tạo; kiểm toán; trợ cấp và phân phối trợ cấp từ chính phủ (nếu có)… Với sự cần thiết vận hành mô hình liên đoàn HTX, nếu chỉ dừng ở việc “thí điểm” sẽ rất khó khăn cho thành lập, vận hành mô hình này trong thực tế do vướng các thủ tục pháp lý. Việc quyết toán, giải quyết thủ tục hành chính từ thành lập đến giải thể mô hình… cũng sẽ khó khăn khi liên quan đến các quy định ở những luật chuyên ngành khác. Vì thế, cần sớm “luật hóa” mô hình liên đoàn HTX trong Dự án Luật HTX (sửa đổi) để có cơ sở hoạt động và nhân rộng mô hình này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông:
Trên tinh thần cầu thị và trách nhiệm đồng hành cùng với khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác, đồng thời cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật HTX (sửa đổi), ghi nhận và sẽ tiếp tục phân tích một cách nghiêm túc, cầu thị các ý kiến thảo luận, đóng góp để xem xét, tiếp thu hoàn thiện các quy định từ Luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn. Chúng tôi mong muốn sẽ hoàn thành xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi cho tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác, từ đó tạo cơ hội lớn để xây dựng và phát triển hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển mạnh trong thời gian tới.