Bên mời thầu: Công ty TNHH Xây dựng 412
Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại Bảng số 02 Yêu cầu về nhân sự chủ chốt Mục 2 thuộc Chương III, HSMT yêu cầu:
Chỉ huy trưởng: Tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành xây dựng dân dụng; Có chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy (còn hiệu lực). Là chỉ huy trưởng tối thiểu 01 công trình xây dựng dân dụng, cấp III trở lên.
Tại STT4 Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự Mục 2 thuộc Chương III, HSMT yêu cầu:
Trường hợp gói thầu chỉ bao gồm các hạng mục công việc A1, A2, A3... (không phải là công trình theo pháp luật xây dựng): Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn tối thiểu:
- 01 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A1 loại kết cấu công trình xây dựng dân dụng móng cọc ép, cấp III, có giá trị là: V1 3.500.000.000 VND với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ.
- 01 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A2 cung cấp, lắp đặt thiết bị, có giá trị là: V2 475.000.000 VND với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ.
- 01 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A3 thi công lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp IV, có giá trị là: V3 430.000.000 VND với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ.
- 01 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A4 kè bê tông, cổng, sân hàng rào, cấp IV, có giá trị là: V4 1.800.000.000 VND với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Đối với nhân sự chủ chốt, vị trí chỉ huy trưởng công trường yêu cầu “có kinh nghiệm thực hiện tối thiểu 1 công trình xây dựng dân dụng, cấp III trở lên; đồng thời, có chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) còn hiệu lực”. Theo Nhà thầu, Mẫu số 3A ban hành kèm theo Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT quy định: “Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật về xây dựng mà chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt trong E-HSMT cho phù hợp như chỉ huy trưởng công trường, cán bộ phụ trách kỹ thuật, an toàn lao động và các vị trí công việc quan trọng khác. E-HSMT không được yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông”.
Trong khi đó, chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công (chỉ huy trưởng) về PCCC được cấp theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật PCCC, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật xây dựng. Do vậy, yêu cầu này là không phù hợp, gây hạn chế nhà thầu.
Ngoài ra, Nhà thầu cho rằng, các hạng mục PCCC trong các công trình dân dụng chiếm tỷ trọng khá nhỏ khoảng từ 4-10% trên tổng khối lượng công việc của Dự án và các công việc thi công, lắp đặt thiết bị PCCC này chỉ triển khai cuốn chiếu khi Dự án đã cơ bản hoàn thiện phần thô (không xuyên suốt toàn bộ Dự án). Do đó, trong trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực có yêu cầu về bằng cấp/chứng chỉ chuyên môn (nếu có), đề nghị Bên mời thầu yêu cầu tách biệt nhân sự chủ chốt phụ trách hạng mục PCCC, nhằm tạo thuận lợi cho việc tham dự thầu.
Gói thầu yêu cầu quá nhiều nhân sự chủ chốt (06 người), theo Nhà thầu, đây là công trình dân dụng cấp III, các hạng mục của công trình không quá phức tạp do đã có hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt cho nên việc yêu cầu nhân sự chủ chốt như vậy là không cần thiết, có thể dẫn đến hạn chế nhà thầu theo như Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT quy định: “a) Quy định về số lượng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công, thiết bị chủ yếu quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu;”.
Đối với yêu cầu về hợp đồng xây lắp tương tự, theo Nhà thầu, đây là công trình dân dụng cấp III đơn giản, không nhất thiết phải ràng buộc là công trình dân dụng cấp III móng cọc ép. Nhà thầu thắc mắc, trường hợp Nhà thầu là nhà thầu lớn, chuyên thi công cọc khoan nhồi thì có được tham gia hay không hoặc Nhà thầu thuê đơn vị chuyên thi công ép cọc thì có được không? Hạng mục kè bê tông, cổng, hàng rào cấp IV là như thế nào? Nhà thầu đề nghị Chủ đầu tư, Bên mời thầu xem xét các tiêu chí đánh giá về năng lực để đảm bảo không bị hạn chế nhà thầu, tăng tính cạnh tranh và có nhiều cơ hội lựa chọn nhà thầu phù hợp, đảm bảo thi công hiệu quả và tiết kiệm.
Bình luận, phân tích của chuyên gia:
Một chuyên gia đấu thầu cho biết, theo Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT, đối với yêu cầu về chứng chỉ, trình độ chuyên môn nhân sự chủ chốt, chỉ quy định trong trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực có yêu cầu về bằng cấp/chứng chỉ chuyên môn. Đối với chức danh chỉ huy trưởng, Điều 86 Nghị định 175/2024/NĐ-CP không quy định phải có chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về PCCC. Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về PCCC được cấp theo quy định tại Điều 43 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Như vậy, đây là 2 chức danh được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chuyên ngành khác nhau, việc gộp 2 chức danh này vào một vị trí nhân sự là tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh.
Liên quan đến hợp đồng tương tự, vị chuyên gia cho rằng, trường hợp công trình mời thầu là công trình (không phải hạng mục) được xác định theo pháp luật xây dựng, thì việc diễn giải, liệt kê yêu cầu chi tiết về hạng mục tương tự là làm khó nhà thầu.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 12/4/2025, Bên mời thầu trả lời Nhà thầu như sau:
Về nhân sự chủ chốt, điểm a khoản 3 Điều 106 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định: “a) Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường từ hạng III trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận”.
Một gói thầu gồm xây lắp và PCCC thì chỉ điều động 01 chỉ huy trưởng phải đảm nhận 02 chức danh chỉ huy trưởng xây lắp và chứng chỉ chỉ huy trưởng về PCCC. Tại khoản 7 Điều 41 Nghị định 136/2020/ND-CP và Nghị định số 50/2024/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định đối với cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 chỉ huy trưởng thi công được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 43 Nghị định này.
Gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 14.796.000.000 đồng, giá trị hạng mục PCCC (4-10%) tương đương 550.000.000 đồng đến 1.400.000.000 đồng, nếu tách riêng đủ để lập thành một gói thầu.
Trong HSMT không bắt buộc chỉ huy trưởng phải thuộc biên chế của nhà thầu mà có thể do nhà thầu huy động. Vì vậy, Bên mời thầu bảo lưu tiêu chí này.
Đối với yêu cầu 06 người là nhân sự chủ chốt, Bên mời thầu cho biết, Gói thầu trên là gói thầu thuộc công trình xây dựng dân dụng cấp III, thi công xây dựng rất nhiều hạng mục khác nhau trong môi trường giáo dục. Với số lượng nhân sự mà HSMT yêu cầu, Nhà thầu lên kế hoạch bố trí nhân sự sao cho phù hợp với tính chất của gói thầu thi công trong hệ thống trường mầm non. Mỗi nhân sự sẽ có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt. Trong HSMT không bắt buộc các nhân sự chủ chốt phải thuộc biên chế của nhà thầu, có thể do nhà thầu huy động. Vì vậy, Bên mời thầu bảo lưu tiêu chí này.
Về hợp đồng xây lắp tương tự, nhà thầu thực hiện theo Mục (13) của phần Ghi chú trong Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của Chương III Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.
Bên mời thầu trích dẫn:
“V có giá trị thông thường khoảng 50% giá trị công việc xây lắp của công trình thuộc gói thầu đang xét (công trình A). Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị V trong khoảng 40% - 50% giá trị công việc xây lắp của công trình A.
V1, V2, V3... có giá trị thông thường khoảng 50% giá trị của từng công trình/hạng mục tương ứng (A1, A2, A3...) thuộc gói thầu đang xét (bao gồm thuế, phí, lệ phí và chi phí dự phòng nếu có). Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giátrị V1, V2, V3... trong khoảng 40% - 50% giá trị của công trình/hạng mục A1, A2, A3...
Việc đánh giá về giá trị của các công trình/hạng mục mà nhà thầu đã thực hiện, Tổ chuyên gia căn cứ vào giá trị hoàn thành, được nghiệm thu của công trình/hạng mục đó. Thời điểm xác nhận công trình/hạng mục hoàn thành để xác định công trình/hạng mục tương tự là thời điểm nghiệm thu công trình/hạng mục, không căn cứ vào thời điểm ký kết hợp đồng (Hai công trình có cấp thấp hơn liền kề với cấp của công trình đang xét, giá trị hoàn thành mỗi công trình cấp thấp hơn liền kề bằng hoặc lớn hơn 50% giá trị của công trình đang xét thì được đánh giá là một công trình xây lắp tương tự).
Đối với gói thầu gồm tổ hợp nhiều công trình theo pháp luật về xây dựng, Chủ đầu tư có thể yêu cầu phải hoàn thành công trình/hạng mục tương tự cho tất cả các công trình/hạng mục trong gói thầu hoặc chỉ yêu cầu hoàn thành công trình/hạng mục tương tự đối với một số công trình hạng mục chính, trường hợp có một số công trình có cùng loại kết cấu thì chỉ yêu cầu về công trình/hạng mục tương tự đối với cùng loại kết cấu mà có cấp công trình cao nhất (trường hợp có nhiều công trình cùng loại kết cấu và cấp công trình thì giá trị hợp đồng tương tự được tính theo công trình có giá trị cao nhất). Công trình/hạng mục mà nhà thầu đã hoàn thành có cùng loại kết cấu và có cấp công trình cao hơn cấp công trình của gói thầu đang xét thì được coi là đáp ứng yêu cầu về loại kết cấu và cấp công trình.
Loại kết cấu, cấp công trình của công trình tương tự được xác định theo quy định của pháp luật xây dựng tại thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình”.
Vì vậy, Nhà thầu hoặc thành viên liên danh phải có hoặc đã từng thi công công trình dân dụng cấp III, có thi công hạng mục ép cọc.
Đối với Hạng mục kè bê tông, cổng, sân hàng rào, nhà thầu cộng giá trị các hợp đồng tương ứng sao cho đáp ứng yêu cầu của hạng mục (mỗi hạng mục chỉ lấy giá trị của 1 hạng mục có giá trị cao nhất).
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Các nội dung đã phát hành của HSMT giữ nguyên.