Gói thầu thiết bị giáo dục tại Gia Lai: Bên mời thầu bảo lưu tiêu chí hạn chế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Mua sắm thiết bị trợ giảng trong lớp và cổ động ngoài trời cho các trường THPT thuộc dự án cùng tên đang được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đánh giá hồ sơ dự thầu. Gói thầu đã ồn ào ngay từ lúc phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) khi nhà thầu liên tục có văn bản kiến nghị điều chỉnh HSMT.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu Mua sắm thiết bị trợ giảng trong lớp và cổ động ngoài trời cho các trường THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được tổ chức đấu thầu qua mạng, thời gian phát hành HSMT từ ngày 10/6 đến 20/6/2021. Dự toán của Gói thầu được phê duyệt là 9.039.360.000 đồng.

Biên bản mở thầu cho thấy, có 3 nhà thầu dự thầu đúng quy định. Đó là nhà thầu Công ty TNHH Quốc tế Khôi Nguyên với giá dự thầu 7.689.000.000 đồng. Công ty CP Duy Hòa Phát có giá dự thầu là 6.568.900.000 đồng. Công ty TNHH MTV Sách thiết bị trường học Hà Nội có giá dự thầu cao nhất, với 9.005.900.000 đồng.

Tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, ngay sau khi bên mời thầu (BMT) phát hành HSMT, nhà thầu đã có ít nhất 2 văn bản đề nghị làm rõ. Trong văn bản, nhà thầu đề cập đến nhiều tiêu chí của HSMT “không đúng với quy định hiện hành và có dấu hiệu hạn chế nhà thầu”. Đầu tiên, đối với mặt hàng thiết bị âm thanh và cáng cứu thương, nhà thầu phản ánh HSMT đưa ra nhiều yêu cầu không phù hợp với quy định. Đây không phải hàng hóa đặc thù, nhưng BMT bắt buộc cung cấp nhiều tài liệu bất hợp lý để chứng minh đáp ứng các yêu cầu về thông số kỹ thuật của HSMT. Bên cạnh đó, HSMT đưa ra tiêu chí nhà thầu phải được công bố trên website của Bộ Y tế; nhà thầu phải có chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2015… cũng là yêu cầu vô lý.

Văn bản của nhà thầu cho biết thêm, về tiêu chí hợp đồng tương tự, HSMT yêu cầu “hợp đồng cung cấp, lắp đặt các thiết bị trợ giảng âm thanh trong lớp, âm thanh cổ động ngoài trời có giá trị 7.230.000.000 đồng và có quy mô triển khai cung cấp, lắp đặt 37 đơn vị sử dụng tài sản, nhà thầu phải đính kèm bản scan màu hợp đồng; biên bản thanh lý hợp đồng, bản chụp hóa đơn tài chính và giấy báo có của ngân hàng. Nhà thầu khẳng định, các yêu cầu như 37 đơn vị sử dụng, giấy báo có của ngân hàng là thiếu căn cứ.

Đồng thời, nhà thầu cũng phản bác yêu cầu “nhà thầu phải có đại lý được ủy quyền hoặc văn phòng đại diện của nhà thầu đặt tại khu vực Tây Nguyên có chức năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu”.

Sau khi nhà thầu liên tục đề nghị làm rõ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã có văn bản phúc đáp. Tuy nhiên, BMT này bảo lưu toàn bộ các tiêu chí tại HSMT với lý do “đây là gói thầu quy mô lớn, các tiêu chí trên không làm khó” hoặc “đây là hàng hóa đặc thù, chỉ một số đơn vị được cấp phép sản xuất mẫu đáp ứng”.

Với yêu cầu số lượng trên 37 đơn vị sử dụng trong hợp đồng tương tự, BMT cho rằng “giai đoạn dịch bệnh bùng phát hay xảy ra tình trạng hạn chế đi lại nên tiêu chí trên nhằm lựa chọn nhà thầu thật sự có đủ kinh nghiệm, năng lực, đảm bảo tiến độ”. Ngoài ra, BMT cho rằng, yêu cầu đại lý hoặc văn phòng đại diện đặt tại khu vực Tây Nguyên là không trái với quy định hiện hành.

Chính quan điểm giữ nguyên các tiêu chí của HSMT của BMT đã dẫn tới cục diện phức tạp trong quá trình đánh giá HSDT của Gói thầu. Có 2/4 nội dung BMT đánh giá nhà thầu không đáp ứng liên quan đến các tiêu chí hợp đồng tương tự và đại lý bảo hành. Hiện nhà thầu đã gửi văn bản kiến nghị đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai. Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với đại diện BMT nhưng chưa nhận được phản hồi về các kiến nghị nói trên.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, việc BMT đưa ra các yêu cầu như số lượng đơn vị sử dụng và văn phòng đại diện tại khu vực Tây Nguyên là chưa đúng với quy định đấu thầu, dẫn tới khó khăn cho các nhà thầu dự thầu. “Hợp đồng tương tự chỉ được yêu cầu về tính chất, quy mô và giá trị. Không thể tự vẽ thêm số đơn vị sử dụng như trên để làm khó nhà thầu. Lấy lý do dịch bệnh để đưa tiêu chí này vào HSMT càng không phù hợp. Trong khi đó, yêu cầu đại lý tại khu vực Tây Nguyên là đi ngược lại tinh thần của Chỉ thị số 47 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về chấn chỉnh công tác đấu thầu”, chuyên gia đấu thầu cho biết.

Tin cùng chuyên mục