Gói thầu số 05 Trồng mới 50 ha rừng ngập mặn (tỉnh Thanh Hóa) sử dụng vốn ODA. Ảnh: Viết Nghi |
Thành viên Tổ chuyên gia đáp ứng yêu cầu
Trong Đơn tố cáo gửi Báo Đấu thầu về việc lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu số 05 Trồng mới 50 ha rừng ngập mặn thuộc Dự án, một nhà thầu cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa làm ngơ, bao che cho Ban QLDA nêu trên, đơn vị tư vấn và nhà thầu bắt tay nhau để thông thầu.
Đơn tố cáo cho rằng, Đơn vị tư vấn đấu thầu đã sử dụng người không có chuyên môn, nghiệp vụ đấu thầu tham gia chấm thầu; việc chấm thầu không trung thực, khách quan, công bằng.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Trường Lộc thành lập tổ chuyên gia với thành viên là, ông Lê Văn Đông chỉ có bằng Đại học Lâm nghiệp, không có chứng chỉ hành nghề đấu thầu.
Phản hồi nội dung này, ông Lê Công Cường cho biết: “Do không có chuyên môn về đấu thầu nên Chủ đầu tư/Bên mời thầu - Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã thuê tư vấn thực hiện. Tổ chuyên gia do Đơn vị tư vấn thành lập và họ khẳng định đáp ứng quy định của pháp luật về đấu thầu”.
Về vấn đề này, chuyên gia đấu thầu cho biết, trong tổ chuyên gia không bắt buộc tất cả các thành viên phải có chứng chỉ về đấu thầu, mà pháp luật cho phép nếu cần thành viên về chuyên môn có thể mời chuyên gia trong lĩnh vực đó. Quy định về nội dung này, Khoản 4 Điều 116 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nêu rõ: “Trong trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành thì không bắt buộc các chuyên gia này phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu”.
Nhà thầu trúng thầu có đáp ứng năng lực tài chính?
Trước cáo buộc nhà thầu trúng thầu gian lận trong kê khai năng lực tài chính nhưng Đơn vị tư vấn cố tình không xem xét hồ sơ và đối chiếu với báo cáo tài chính 3 năm (2016 - 2018) của cơ quan thuế mà chỉ xem xét kê khai của nhà thầu này, ông Cường khẳng định, Chủ đầu tư/Bên mời thầu đã xem xét kỹ hồ sơ của Nhà thầu trúng thầu. Cụ thể, thành viên trong Liên danh là Công ty CP Xây dựng và Sinh thái thủy lợi có doanh thu bình quân 3 năm hơn 76 tỷ đồng (năm 2016 là 136 tỷ; năm 2017 là 39,6 tỷ; năm 2018 là 52,2 tỷ), vượt xa yêu cầu doanh thu hàng năm tối thiểu là 4,399 tỷ đồng trong E-HSMT. Tương tự, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cũng có doanh thu bình quân 3 năm hơn 73 tỷ đồng (năm 2016 là 106,4 tỷ; năm 2017 là 37,1 tỷ đồng; năm 2018 là 39,6 tỷ đồng).
Theo Báo cáo đánh giá E-HSDT, 2 nhà thầu bị loại là Công ty CP Đầu tư và Ứng dụng công nghệ xanh và Trung tâm Tư vấn phát triển khoa học công nghệ lâm nghiệp Thanh Hóa do không đáp ứng yêu cầu của của E-HSMT. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Ứng dụng công nghệ xanh không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm nêu trong E- HSMT vì trong webform (mẫu số 10a Hợp đồng tương tự), nhà thầu này có kê khai 2 hợp đồng tương tự nhưng giá trị của các hợp đồng đó không đáp ứng yêu cẩu của E-HSMT. Còn Trung tâm Tư vấn phát triển khoa học công nghệ lâm nghiệp Thanh Hóa cũng không đáp ứng yêu cầu đưa ra nên không được đánh giá ở các bước tiếp theo…