Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thủ tướng Chính phủ mới đây đã cho phép thuê liên danh tư vấn nước ngoài với tư vấn trong nước để thẩm tra BCNCTKT Dự án.
Từ ngày 21/5/2021, hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu đã được phát hành để đấu thầu rộng rãi quốc tế (giá gói thầu 41,279 tỷ đồng, phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ). Gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện hợp đồng 90 ngày.
Gói thầu nêu trên có nội dung chính là đánh giá về hồ sơ Dự án; đánh giá sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư; đánh giá lợi thế và tác động của việc thực hiện Dự án theo phương thức PPP; đánh giá về khu vực, địa điểm đầu tư, dự kiến nhu cầu diện tích sử dụng đất và nhu cầu sử dụng tài nguyên khác (nếu có); đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật; đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; đánh giá sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn…
Tại Hội nghị tiền đấu thầu, Bên mời thầu đã giải thích, làm rõ nhiều vấn đề quan tâm của 6 nhà thầu tư vấn nước ngoài và 2 nhà thầu tư vấn Việt Nam đối với Gói thầu. Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước Dự án cho biết, các nhà thầu quan tâm tới Gói thầu là các tổ chức tư vấn quốc tế và Việt Nam có bề dày kinh nghiệm thực hiện dự án giao thông nói chung và đường sắt nói riêng. Cơ quan thường trực mong muốn các nhà thầu tư vấn tham gia Hội nghị sẽ tham dự thầu để gia tăng tính cạnh tranh cho Gói thầu.
Theo Hội đồng Thẩm định Nhà nước, hiện nay, sự mất cân đối của hệ thống giao thông vận tải làm phát sinh các hệ lụy đối với nền kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa và của nền kinh tế. Thực hiện chủ trương “ưu tiên đầu tư đường sắt”, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu đề xuất đầu tư tuyến mới tốc độ cao chạy trên trục Bắc - Nam mang tính xương sống, giữ vai trò chủ đạo là động lực lan tỏa và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được nghiên cứu theo phương án có tổng chiều dài khoảng 1.559 km, khổ đường 1.435mm, gồm 24 ga, 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 đề - pô, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Dự án có khái toán tổng mức đầu tư 1.344.459 tỷ đồng (tương đương 58,7 tỷ USD), vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân chiếm 20%; tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác 320 km/h. Thời gian thực hiện Dự án gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn năm 2020 - 2032 thực hiện đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP.HCM; giai đoạn năm 2032 - 2050 thực hiện đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang.