Nhiều người đang lo lắng khi đã trót vay mua các dự án nhà ở - Ảnh: Đình Sơn |
Trao đổi với Thanh Niên ngày 11.3 sau loạt bài Ngã ngửa với gói 30.000 tỉ đồng, Ưu đãi thành bạc đãi, Mập mờ lãi suất gói 30.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - đơn vị chủ trì xây dựng chính sách, quản lý, kiểm tra và giám sát gói cho vay này đã lắng nghe, tiếp nhận kiến nghị của người dân và cam kết xử lý nghiêm các ngân hàng làm sai, không đúng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Các Ngân hàng cố tình
Mấy ngày qua, rất nhiều người dân đã đến Báo Thanh Niên phản ánh họ thực sự bị sốc và hoang mang khi nhận được thông báo: Các khoản tiền giải ngân sau ngày 1.6.2016 sẽ phải chịu lãi suất (LS) thương mại theo thỏa thuận giữa ngân hàng (NH) và khách hàng, dù trước đó các hợp đồng tín dụng không ghi rõ thời điểm trên. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nắm bắt vụ việc này như thế nào?
Những điều mà người dân, Báo Thanh Niên phản ánh rất đúng. Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ kiểm tra lại để xử lý. Thực ra trong Thông tư số 11/2013/TT-NHNN về quy định cho vay hỗ trợ nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ đã nêu rõ: NHNN thực hiện giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn khoảng 30.000 tỉ đồng đối với các NH trên cơ sở dư nợ cho vay của NH đối với khách hàng, nhưng tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành (vào ngày 1.6.2013). Chúng tôi cũng đã yêu cầu các NH phải ghi rõ thời điểm kết thúc giải ngân là 1.6.2016, đồng thời giải thích trên một số phương tiện truyền thông trong suốt quá trình triển khai chính sách.
Vậy tại sao trong một loạt hợp đồng tín dụng mà khách hàng đã cung cấp, nhiều NH không ghi rõ thời điểm này. Thậm chí, còn đưa vào trong hợp đồng điều khoản rất mập mờ như ghi “áp dụng không vượt quá thời điểm 1.6.2031” để người dân nghĩ rằng đã vay là được hưởng LS đến tận năm 2031?
Như tôi đã nói, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phải ghi rõ trong hợp đồng tín dụng ký kết với khách hàng về thời điểm kết thúc giải ngân vào 1.6.2016. Ngoài ra, kèm theo các điều kiện khác từ ưu đãi về thời hạn cho vay, LS cho vay cụ thể, hạn mức vay… Còn việc NH nào cố tình mập mờ, làm sai thì NHNN sẽ cho kiểm tra lại và nếu phát hiện có vi phạm, sai phạm thì NH đó phải chịu trách nhiệm.
Các biểu mẫu của hợp đồng tín dụng mà NH ký với khách hàng do NHNN quy định hay các NH tự ban hành, thưa ông?
Tất cả các biểu mẫu hợp đồng tín dụng trong gói vay 30.000 tỉ đồng đều được NH tự soạn thảo như mẫu hợp đồng tín dụng thông thường. Nó chỉ khác ở chỗ, hợp đồng gói vay 30.000 tỉ đồng phải ghi rõ thời hạn giải ngân, ưu đãi…
Người mua nhà xã hội sẽ tiếp tục được hỗ trợ
Tại sao lại cứ phải “chốt” cứng thời điểm 1.6.2016 mà không quy định khi nào giải ngân hết 30.000 tỉ đồng thì hết chương trình, hết ưu đãi để tránh sự khó hiểu, phức tạp cho người dân, thưa ông?
Quy định này xuất phát từ tình hình thực tiễn, diễn biến của thị trường bất động sản. Mốc thời gian 1.6.2016 đã được NHNN tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cân đối về nguồn vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN. Do đó, phần dư nợ vay của khách hàng được giải ngân từ ngày 1.6.2016 trở về trước sẽ được hưởng LS vay ưu đãi trong suốt thời gian vay. Còn phần dư nợ được giải ngân sau 1.6.2016 sẽ áp dụng LS vay thông thường theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng và NH cho vay.
Nhưng vì NH mập mờ nên nhiều khách hàng cho rằng họ bị “bẫy”, giờ trót vay rồi phải theo. Nếu còn 500 triệu giải ngân sau 1.6.2016 mà NH áp LS thỏa thuận lên tới 12 - 13%/năm thì họ lấy tiền đâu để trả, thưa ông?
Tôi hiểu điều đó, nhưng cũng muốn giải thích thêm. Nếu khách hàng vay 1 tỉ đồng giải ngân trước ngày 1.6.2016 sẽ được hưởng LS ưu đãi theo chương trình trong suốt thời hạn vay lên tới 15 năm. Đối với các khách hàng vay sau, còn khoản giải ngân sau 1.6.2016 thì áp dụng LS thỏa thuận theo hợp đồng đã ký kết với NH.
Áp lực trên sẽ không nhiều bởi 6 tháng trước các NH mới giải ngân được 11.000 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại con số giải ngân lên tới hơn 20.000 tỉ đồng trên tổng số 28.884 tỉ đồng cam kết cho vay. Tốc độ giải ngân càng về cuối càng nhanh và từ nay đến 1.6.2016 gói 30.000 tỉ đồng sẽ đạt được mục tiêu đặt ra. Tất nhiên, có thể còn một số dự án vì lý do nào đó bị chậm tiến độ quá thời điểm này, nhưng rất ít.
Người dân và nhiều chuyên gia đề xuất, kiến nghị NHNN cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ví dụ hỗ trợ tất cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết trước thời điểm 1.6.2016 được hỗ trợ LS ưu đãi theo chương trình?
Chúng tôi cũng rất chia sẻ với khó khăn của người dân, đặc biệt người có thu nhập thấp. Nhưng chính sách hỗ trợ gói 30.000 tỉ đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là chủ trương hỗ trợ trong lúc thị trường khó khăn, có thời điểm, có thời hạn nhất định. Nhu cầu là rất lớn, trong khi nguồn lực lại có hạn thì phải cân đối để đảm bảo nhiều mục tiêu. Bên cạnh đó, để tiếp tục hỗ trợ cho người thu nhập thấp có nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội để ngay sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng chính sách mới căn cơ, bền vững, bài bản hơn.
Nghị định này sẽ hỗ trợ như thế nào, người dân có được tiếp tục ưu đãi LS không?
Ngay sau khi nghị định được ban hành, NHNN đã ban hành Thông tư 25 về cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội và Công văn 9512 để hướng dẫn. Thông tư đã có hiệu lực từ cuối tháng 12.2015 trên tinh thần ngay khi kết thúc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng vào 1.6.2016 sẽ chuyển tiếp luôn. NHNN đã giao NH Chính sách xã hội làm đầu mối, đồng thời quá trình triển khai sẽ chỉ định thêm các NHTM tham gia. Cụ thể, theo quy định của Thông tư 25 có hiệu lực từ ngày 10.12.2015 đối với khách hàng thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở mức LS hỗ trợ sẽ do Thủ tướng quyết định theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ. Đặc biệt, mức LS cho vay này được khống chế không vượt quá 50% lãi suất bình quân của NH trên thị trường...
Trong quá trình chuyển tiếp này, để hỗ trợ người dân đã trót vay nhưng đang gặp khó khăn vì chính sự mập mờ của các NH dẫn đến không trả được nợ thì xử lý như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi sẽ yêu cầu các NHTM báo cáo tất cả các hợp đồng tín dụng, biểu mẫu… đã ký kết với khách hàng. Sau đó, sẽ kiểm tra lại thật kỹ lưỡng, thận trọng; NHTM nào mập mờ, đưa ra điều khoản không rõ ràng sẽ xử lý nghiêm và công khai trước dư luận. Ngay sau khi báo phản ánh, chúng tôi sẽ gấp rút triển khai trên tinh thần NHTM nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm và đảm bảo đúng quyền lợi cho khách hàng.