Hà Nam chọn phát triển nhanh, toàn diện và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2025, Hà Nam sẽ phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 đạt tối thiểu 10,0%/năm
Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 đạt tối thiểu 10,0%/năm

Tỉnh Hà Nam đang trong quá trình gấp rút hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, xác định phát triển kinh tế - xã hội dựa vào khai thác các lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện.

Theo đó, quan điểm phát triển nhanh, bền vững vừa bao hàm cả chiều rộng và chiều sâu, vừa thể hiện tốc độ và chất lượng của mô hình tăng trưởng; nhấn mạnh đồng thời yếu tố bền vững ở trên cả ba trụ cột kinh tế, môi trường và xã hội.

Thời kỳ 2021 - 2030 có rất nhiều sự thay đổi trong nước và quốc tế về các vấn đề phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Quan điểm phát triển bao trùm là nhấn mạnh đến khía cạnh mọi người đều được tham gia quá trình phát triển và cùng được hưởng thụ thành quả của phát triển, không thành viên nào trong xã hội bị bỏ lại phía sau. Hà Nam có đủ điều kiện để phát triển toàn diện các lĩnh vực nông lâm thủy sản, công nghiệp và các ngành dịch vụ.

Để hiện thực hóa khát vọng của tỉnh, Hà Nam lựa chọn kịch bản phát triển tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững. Đây là phương án có mục tiêu phấn đấu cao, nhiều tác động đột phá cho phát triển. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 đạt tối thiểu 10,0%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 12,0%, tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt 11,2% (cao hơn 0,6 điểm % so với giai đoạn 2011 - 2020). Năm 2025, tỷ trọng giá trị gia tăng (VA) của ngành Nông, lâm - thủy sản là 6,3%; tỷ trọng VA ngành Công nghiệp - Xây dựng là 65,2%; tỷ trọng VA ngành dịch vụ là 28,5%. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 117 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 là 268.933 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 573.658 tỷ đồng.

Để hiện thực hóa Quy hoạch, tỉnh Hà Nam xác định tập trung vào 5 ngành kinh tế, lĩnh vực quan trọng, trụ cột cho phát triển cho phát triển kinh tế - xã hội gồm: công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; phát triển công nghệ cao (hình thành và phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam…); khai thác và phát huy hiệu quả các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính; mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Hà Nam lựa chọn tổ chức không gian các hoạt động kinh tế theo 3 vùng. Trong đó, Vùng đô thị trung tâm - dịch vụ chất lượng cao - công nghiệp công nghệ cao - đào tạo nguồn nhân lực gồm toàn bộ TP. Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và một phần huyện Thanh Liêm (khu vực từ tả ngạn sông Đáy đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), với định hướng là khu vực phát triển mật độ cao. Tại đây, tập trung phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu giáo dục đại học, khu y tế chất lượng cao; hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới, các cơ sở du lịch; cải tạo, chỉnh trang các điểm di tích lịch sử, điểm danh thắng trong khu vực.

Vùng đô thị - sinh thái - công nghiệp (phía Tây): Là khu vực phía Tây sông Đáy, phần lớn thuộc địa bàn huyện Kim Bảng và khu vực phía Tây sông Đáy của huyện Thanh Liêm. Định hướng là khu vực phát triển hài hòa giữa đô thị, công nghiệp với duy trì không gian nông nghiệp; kết hợp giữ gìn cảnh quan sinh thái đặc trưng với phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; bảo tồn cảnh quan tự nhiên và đa dạng sinh học kết hợp với hoạt động du lịch.

Vùng cảnh quan nông nghiệp - công nghiệp, công nghệ cao: Là khu vực phía Đông và phía Nam của Tỉnh, chủ yếu thuộc địa bàn các huyện Lý Nhân, Bình Lục và khu vực phía Đông đường cao tốc của huyện Thanh Liêm. Trên vùng cảnh quan nông nghiệp, cơ bản duy trì diện tích đất nông nghiệp và cảnh quan nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch hình thành khu vực phát triển đô thị, công nghiệp tại Bắc Lý Nhân và dọc hai bên Quốc lộ 21A, 21B tại Bình Lục.

Tại Hội nghị Ban chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Trương Quốc Huy yêu cầu đơn vị tư vấn lập Quy hoạch và các đơn vị liên quan tập trung, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý của các đơn vị để hoàn thiện Quy hoạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ được giao; trong đó thực hiện rà soát, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Nội dung Quy hoạch Tỉnh cần được trình bày có trọng tâm, súc tích, ngắn gọn, không đề xuất đưa vào Quy hoạch các nội dung quá chi tiết, gây vướng trong quá trình triển khai thực hiện sau này.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong giai đoạn hoàn thiện trình Hội đồng thẩm định quốc gia, để chuẩn bị các bước tiếp theo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục