Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Không để có tiền không tiêu được

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, dành nguồn lực triển khai để nâng cao chất lượng sống cho người dân các vùng khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn được giao để thực hiện 3 chương trình trong năm 2023 đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phát huy trách nhiệm với nhân dân, triển khai giải ngân hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2023 cho các bộ, địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Ảnh: Tiên Giang
Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2023 cho các bộ, địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Ảnh: Tiên Giang

Tháng 1 chưa giải ngân đồng nào

Tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2023, bao gồm 24.216,812 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 24.119 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp, cho các bộ, địa phương thực hiện 3 CTMTQG năm 2023, đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn.

Về phân bổ vốn đầu tư phát triển, theo số liệu của Bộ Tài chính, đến 31/1/2023, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 39/48 địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ 18.331,922 tỷ đồng, đạt 75,7% kế hoạch. Trong đó, 16 địa phương đã phân bổ vốn chi tiết đến danh mục dự án (tuy nhiên có 9 địa phương chưa phân bổ hết), 23/39 địa phương mới phân bổ vốn cho các đơn vị trực thuộc (trong đó có 8/23 địa phương chưa phân bổ hết).

Tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư phát triển của 3 CTMTQG chưa được giải ngân. Đối với kế hoạch vốn năm 2022, ước thanh toán đến 31/1/2023 là 13.730,92 tỷ đồng, đạt 57,21% kế hoạch năm 2022.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ, giải ngân nguồn vốn các CTMTQG, không để tình trạng có vốn mà không tiêu được, trong khi người dân rất trông chờ.

Thủ tướng chỉ ra, phân bổ vốn CTMTQG ở nhiều địa phương thời gian qua còn dàn trải, tiền ít nhưng bộ, ngành, địa phương dàn trải nhiều nội dung. Địa phương cần rút kinh nghiệm việc này, vì việc dàn trải dẫn đến làm thủ tục mất nhiều thời gian và đến nay đây vẫn là vướng mắc lớn. Chủ tịch UBND các tỉnh cần kiểm tra lại, làm cho dứt điểm, việc phân bổ tập trung có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến ngày 31/1/2023, vẫn còn 3 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa hoàn thành, dẫn đến vướng mắc trong triển khai. Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương ban hành, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình; rà soát, có giải pháp xử lý dứt điểm kiến nghị của địa phương liên quan đến vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản do cấp bộ ban hành. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các CTMTQG…

Phối hợp chặt chẽ, xử lý trách nhiệm cá nhân

Ngày 6/2/2023, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cập nhật thông báo của Văn phòng Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 CTMTQG trong năm 2023.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện các CTMTQG, đặc biệt là trong công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách để thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc 3 CTMTQG theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế làm việc của Chính phủ, chính quyền địa phương.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan là chủ quản dự án thành phần, cơ quan chủ quản các CTMTQG chủ động, tích cực phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc để xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn; hoàn thành đầy đủ các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thống nhất về nội dung trong quý I năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý vận hành công trình, quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trung ương các CTMTQG khẩn trương chủ trì xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tài liệu phục vụ Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình thực hiện 3 CTMTQG tại 3 vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trong thời gian từ nay đến ngày 20/2/2023. Đồng thời, chuẩn bị cho Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo vào cuối tháng 2/2023…

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT theo dõi chung, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ được giao liên quan tới triển khai thực hiện 3 CTMTQG, định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân theo quy định.

Tin cùng chuyên mục