Ảnh minh họa: Internet |
Sở Y tế Cao Bằng vừa mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật 2 gói thầu thuộc Dự toán Mua thuốc tập trung cấp địa phương cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2023 - 2024 với tổng dự toán 147,069 tỷ đồng. Trong đó, Gói thầu số 1 Thuốc Generic có giá 136,106 tỷ đồng thu hút 39 nhà thầu tham dự. Một số nhà thầu tham gia dự thầu nhiều phần có thể kể đến như: Công ty Dược phẩm và Vật tư y tế Phương Anh (67 phần); Công ty CP Dược và Vật tư y tế Cao Bằng (46 phần)… Gói thầu số 2 Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền có giá 10,962 tỷ đồng với 10 nhà thầu tham dự, trong đó có một số phần thu hút nhiều nhà thầu tham dự như Phần PP2300354067 có 7 nhà thầu…
Gần hơn cả là Bệnh viện Thống Nhất vừa mở hồ sơ đề xuất tài chính (ĐXTC) của 5 gói thầu thuộc Dự toán Lựa chọn nhà thầu (LCNT) cung cấp thuốc năm 2023 hơn 663,723 tỷ đồng, gồm: Gói thầu Thuốc theo tên Generic (436,362 tỷ đồng), Gói thầu Thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị (191,919 tỷ đồng), Gói thầu Thuốc cổ truyền (19,718 tỷ đồng), Gói thầu Dược liệu (1,194 tỷ đồng), Gói thầu Vị thuốc cổ truyền (1,285 tỷ đồng).
Trong đó, 164/168 nhà thầu tham dự Gói thầu Thuốc theo tên Generic (436,362 tỷ đồng) đạt yêu cầu kỹ thuật được đánh giá về ĐXTC. Gói thầu này cũng không hiếm gặp phần/lô thầu có từ 3 nhà thầu trở lên cạnh tranh về giá sau khi vượt qua vòng đánh giá ĐXKT như Phần PP2300347711 Rupatadin có Công ty TNHH Dược phẩm Sun Rise, Công ty CP Dược phẩm Vạn Khang, Công ty TNHH Đầu tư nhập khẩu dược Đông Nam Á… Xét theo nhà thầu tham dự, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 tham dự tới 100 phần, Công ty TNHH Dược phẩm và trang thiết bị y tế Hoàng Đức tham dự 58 phần…
Gói thầu Thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị (191,919 tỷ đồng) có 9 nhà thầu tham dự. Trong đó, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 tham dự 126 phần, Công ty TNHH Dược phẩm và trang thiết bị y tế Hoàng Đức tham dự 14 phần và 7 nhà thầu còn lại mỗi nhà thầu tham dự từ 1 - 2 phần…
Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cũng đang thực hiện đến bước đánh giá ĐXTC đối với Gói thầu Thuốc generic thuộc Dự toán Cung cấp thuốc tập trung tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2023 - 2025 (đợt 1) hơn 252,996 tỷ đồng.
Ở tuyến Trung ương, Bệnh viện K đang dần về đích khi đã chuyển sang bước đánh giá ĐXTC của các nhà thầu tham dự Gói 1 Gói thầu thuốc Generic (gồm 83 phần, mỗi mặt hàng là một phần) thuộc Dự toán Cung cấp thuốc lần 8 năm 2023 với giá 255,124 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 6/11/2023, Gói 2 Gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị 5,324 tỷ đồng và Gói 3 Gói thầu thuốc generic cho hệ thống nhà thuốc bệnh viện 91,705 triệu đồng thuộc cùng Dự toán đã về đến đích.
Nhìn chung, tiến độ triển khai của các gói thầu nêu trên cũng khá thuận lợi. Một số gói thầu được phê duyệt kế hoạch LCNT cuối tháng 8 - đầu tháng 9/2023, nhưng đến nay đã thực hiện đến bước đánh giá ĐXTC, có thể hoàn tất chỉ trong vòng 3 tháng. Tính từ thời điểm phê duyệt kế hoạch LCNT đến ngày 21/11/2023, mới hơn 2 tháng đã mở xong hồ sơ ĐXTC của 5 gói thầu thuốc nêu trên của Bệnh viện Thống Nhất…
Tương tự, kế hoạch LCNT của 4 gói thầu thuộc Dự toán Mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương năm 2023 - 2025 cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (hơn 399,115 tỷ đồng) cũng được phê duyệt vào cuối tháng 8/2023, nhưng đến ngày 29/9/2023, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã tiến hành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Và hơn 1,5 tháng đó, hồ sơ ĐXTC của cả 4 gói thầu (ngày 21/11/2023) được mở. Nếu không có gì thay đổi, công việc LCNT có thể hoàn tất ngay trong tháng 11 này. Trong đó, Gói thầu 1 Gói thầu mua sắm thuốc Generic (giá 331,054 tỷ đồng với phần/lô) có tới 117 nhà thầu tham dự…
Sở dĩ đạt được kết quả tích cực như vậy, theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV là bởi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế mua sắm, đấu thầu đã được cơ bản tháo gỡ.
Vượt qua tình trạng thiếu thuốc cục bộ, cách nào?
Tuy nhiên, diễn biến các cuộc thầu nêu trên cũng cho thấy không ít nhà thầu dừng chân ở bước đánh giá về kỹ thuật vì không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, từ đó dẫn đến một số phần/lô không có thuốc trúng thầu. Một nguyên nhân khá phổ biến là do nhà thầu dự thầu sai hàm lượng, sai đường dùng, không đúng hoạt chất theo yêu cầu; hạn dùng của thuốc không đảm bảo tiến độ cung ứng…
Nhưng điều đáng tiếc hơn khiến một số nhà thầu phải dừng bước ở vòng đánh giá về kỹ thuật là vì không đáp ứng tư cách hợp lệ như: GMP của nhà sản xuất hay Giấy phép lưu hành sản phẩm hết hiệu lực; thông tin dự thầu không thống nhất, có sai khác thông tin nhà sản xuất giữa giấy phép lưu hành và công bố GMP về địa chỉ… Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Phương Linh dự thầu Phần PP2300351829 Clindamycin và Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2 dự thầu Phần PP2300351866 Methotrexat của Gói 1 Gói thầu thuốc Generic thuộc Dự toán Cung cấp thuốc lần 8 năm 2023 của Bệnh viện K; Công ty TNHH DP-TBYT Bảo Minh dự thầu Phần PP2300334515 Acetylsalicylic acid của Gói thầu 1 thuộc Dự toán Mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương năm 2023 -2025 cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị…
Theo giải trình của một số nhà thầu như Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Đan Thanh, Công ty TNHH MTV Dược Trí Tín Hải…, doanh nghiệp đã có GMP mới và đã nộp hồ sơ đề nghị cập nhật, điều chỉnh thông tin, gia hạn…, nhưng đến nay vẫn đang chờ đợi Cục Quản lý dược phê duyệt…
Thực tế này cho thấy, mặc dù Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp phép, gia hạn hay thay đổi thông tin liên quan đến GMP của nhà sản xuất hay Giấy phép lưu hành sản phẩm, nhưng vẫn chưa đáp ứng tiến độ và nhu cầu tham dự thầu của các doanh nghiệp. Nhưng để khắc phục triệt để tình trạng này, Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tích cực xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Dược theo hướng đơn giản hoá thủ tục cấp phép để sớm trình Quốc hội ban hành.