Hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán huy động vốn, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương vừa báo cáo Chính phủ về tình hình cung ứng điện năm 2024, trong đó nêu rõ nguy cơ miền Bắc có thể thiếu điện. Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo việc cung ứng điện năm 2024 - 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn do công suất dự phòng thấp, trong khi nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm. Việc triển khai Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng sẽ giải tỏa nỗi lo thiếu điện, nhưng trước mắt cần phải giải được bài toán huy động vốn để hiện thực hóa Quy hoạch.
Theo Quy hoạch điện VIII, bình quân mỗi năm Việt Nam cần trên 10 tỷ USD để phát triển các dự án điện. Ảnh: Minh Lương
Theo Quy hoạch điện VIII, bình quân mỗi năm Việt Nam cần trên 10 tỷ USD để phát triển các dự án điện. Ảnh: Minh Lương

Nguy cơ thiếu điện càng lớn

Theo Quy hoạch điện VIII, ước tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 134,7 tỷ USD; giai đoạn 2031 - 2050 khoảng 399,2 - 523,1 tỷ USD. Như vậy, bình quân mỗi năm Việt Nam cần trên 10 tỷ USD để phát triển các dự án điện.

Ông Phan Xuân Dương, chuyên gia năng lượng cho rằng, với nhu cầu lớn như vậy, việc huy động từ nguồn vốn trong nước là không khả thi. Theo ông Dương, thực tế cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư cho các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ các ngân hàng trong nước gặp không ít khó khăn. “Để cấp vốn cho Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Vietcombank đã phải xin phép người có thẩm quyền được cấp tín dụng vượt khung…”, ông Dương dẫn chứng.

Theo ông Dương, huy động hơn 10 tỷ USD mỗi năm từ nguồn vốn trong nước để đầu tư dự án điện là quá khó. Do đó, phải huy động vốn từ các khu vực khác.

Báo cáo về khả năng vay vốn của các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII vừa được nhóm chuyên gia của FiinRatings và Indochine Counsel công bố cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính trong nước không đủ sức cung ứng vốn cho các dự án điện tái tạo. Do đó, “khoảng trống tài chính” này sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu xanh.

Thế nhưng, ông Dương cũng như nhóm nghiên cứu của FiinRatings và Indochine Counsel đều cho rằng, để vay vốn, bên vay cũng phải cho thấy những nền tảng căn bản để bên cho vay yên tâm rót vốn. Trên thực tế, đến thời điểm này, mọi thứ liên quan đến triển khai Quy hoạch điện VIII vẫn đang dang dở. Đơn cử Quy hoạch điện VIII được phê duyệt từ giữa tháng 5/2023 nhưng đến nay kế hoạch thực hiện vẫn chưa được ban hành.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Dự thảo Kế hoạch đã tính toán đến cấp độ dự án công trình nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư cũng như đã phân kỳ đầu tư tới năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, hiện các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, thủy điện nhỏ không phân cấp đến mức độ dự án. Để thực hiện triển khai những dự án này, Bộ Công Thương đề nghị trên cơ sở kế hoạch được thực hiện, UBND các tỉnh xếp hạng, lựa chọn dự án dự kiến phát triển. Vậy nhưng, các địa phương đang rất lúng túng trong thực hiện do thiếu cơ sở xếp hạng ưu tiên.

Nguồn vốn cho các dự án điện tái tạo sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc thu hút đầu tư nước ngoài và trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu xanh. Ảnh: Minh Lương

Nguồn vốn cho các dự án điện tái tạo sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc thu hút đầu tư nước ngoài và trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu xanh. Ảnh: Minh Lương

Đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến độ hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII, ông Phan Xuân Dương cho rằng, trước hết cần tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện Quy hoạch cho các địa phương. “Bộ Công Thương cần khẩn trương có hướng dẫn xếp hạng ưu tiên đầu tư các dự án nguồn năng lượng tái tạo, trong đó nêu rõ tiêu chí xếp hạng”, ông Dương gợi ý.

Về giá điện, ý kiến chuyên gia cho rằng, đối với dự án về năng lượng tái tạo, phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo ông Dương, Dự thảo Thông tư quy định phương pháp xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 29/8/2023 có điểm ưu việt là đã phân theo vùng miền, song khung giá này không thể hiện rõ đặc thù của từng dự án nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Ông Dương cho rằng, áp dụng hình thức đấu thầu phát triển các dự án điện là cách làm công khai, minh bạch và sẽ hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, cấp có thẩm quyền cần khẩn trương ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy triển khai Quy hoạch điện VIII. Trong đó, cơ chế rõ ràng, minh bạch sẽ là điểm mấu chốt để huy động đầu tư vào ngành điện. “Nếu những bất cập trong chính sách hiện hành về giá điện cho dự án điện tái tạo không được khắc phục, hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Thịnh nói.

Theo đó, ủng hộ phương án áp dụng cơ chế đấu thầu thay thế cơ chế giá FIT để phát triển các dự án điện tái tạo, ông Thịnh cho rằng, đây là cơ chế có nhiều ưu điểm, quá trình phát triển dự án công khai, minh bạch, cạnh tranh, bảo đảm cơ hội công bằng cho tất cả các nhà đầu tư.

Gợi ý về giải pháp cho vấn đề này, nhóm chuyên gia của FiinRatings và Indochine Counsel đề xuất lựa chọn áp dụng cơ chế đấu thầu để đưa ra mức giá cạnh tranh nhất.

Tin cùng chuyên mục