Hiệp định ATIGA: Năm 2018 xóa bỏ hàng rào thuế quan trong ASEAN

Việt Nam đã ký kết gần 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ở nhiều mức độ khác nhau; trong đó nổi bật nhất là chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sau ngày 31/12/2015.
Sản xuất linh kiện xe máy tại Khu công nghiệp Sông Công, Thái Nguyên. (Nguồn: TTXVN)
Sản xuất linh kiện xe máy tại Khu công nghiệp Sông Công, Thái Nguyên. (Nguồn: TTXVN)

Trong tiến trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chủ động triển khai và ban hành nhiều chính sách thuế để phù hợp với yêu cầu của cộng đồng quốc tế, như Hiệp định ATIGA - hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ hoạt động thương mại hàng hóa trong nội khối, được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã thống nhất trong CEPT/AFTA, cũng như các hiệp định, nghị định thư có liên quan. 

Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN là một bên của thỏa thuận. Trong khuôn khổ này, đến năm 2015, cơ bản các mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế quan và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. 

Ngoài ra, một số mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm của Việt Nam như mía đường… được phép duy trì mức thuế suất 5% sau giai đoạn 2018. 

Thực hiện cam kết ATIGA, hết năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%. Đến năm 2015, đã có thêm 1.720 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%. 

Đến năm 2018, với 687 dòng thuế còn lại (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ được xóa bỏ, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ôtô, xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa… 

Trong năm qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang ASEAN các nhóm hàng chủ lực như gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xăng dầu các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện… 

Hàng hóa mà các doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu từ khu vực này chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như xăng dầu; nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử-linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ-phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu;… Trị giá của 4 nhóm hàng này chiếm hơn 46% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN./.