Toàn cảnh Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam |
Ông Thắng cho biết, phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. “Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số giữa cường độ năng lượng và cường độ điện trên mỗi giá trị GDP của Việt Nam có xu hướng tăng. Cường độ năng lượng (chỉ số tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng trên GDP theo giá so sánh 2010) vào năm 2015 là 408 kgOE/1.000 USD, tăng lên 463 kgOE/1.000 USD vào năm 2020. Năm 2016, cường độ điện là 977 kWh/1.000 USD tăng lên 1.049 kWh/1.000 USD vào năm 2020”, ông Thắng phân tích.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Năm - Thành viên HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành, nhiều doanh nghiệp và người dân đã có ý thức trong việc thay đổi công nghệ tiên tiến, tiêu thụ năng lượng thấp, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp do ý thức về tiết kiệm điện, khó khăn về nguồn vốn để thay đổi công nghệ mới… nên việc sử dụng điện vẫn còn nhiều bất cập, lãng phí.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hoàng Việt Dũng - đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thuộc Bộ Công Thương cho hay, cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam hiện nay đang rất cao so với thế giới, cao hơn khoảng 3 lần so với các nước có nền kinh tế phát triển và cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.
“Trong cường độ năng lượng của Việt Nam thì ngành công nghiệp có tỷ lệ tiêu thụ điện lớn nhất và có xu hướng gia tăng”, ông Dũng thông tin.
Trong khi đó, các ý kiến đưa ra tại Diễn đàn đều nhấn mạnh những thách thức về an ninh năng lượng của Việt Nam khi nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới là rất lớn; cùng với đó, trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên đã và đang suy giảm dần hàng năm; các nguồn thủy điện lớn và vừa đã được khai thác gần hết tiềm năng và dư địa...
Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước bền vững, đa số các ý kiến đưa ra tại Diễn đàn nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết cần sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, bên cạnh đó là chuyển dịch năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung với việc tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng hóa thạch, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng. Trong ngắn hạn, cần tập trung đầu tư vào hạ tầng năng lượng các dự án có tính đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh việc mở rộng lưới điện truyền tải để bảo đảm tích hợp tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng cao vào hệ thống điện quốc gia; xây dựng chính sách cụ thể để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án năng lượng, nhất là đối với hệ thống truyền tải điện...