Hỗ trợ tối đa cho DN giữ đơn hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước hàng loạt khó khăn “bủa vây” hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có sản xuất công nghiệp, nhiều bộ, ngành cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN).
Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đứng trước nguy cơ mất đơn hàng. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đứng trước nguy cơ mất đơn hàng. Ảnh: Nhã Chi

Sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi

Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp - một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8, sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn mức tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Bộ Công Thương cho biết, tính riêng trong tháng 8, IIP của TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP.HCM giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%...

Một tín hiệu vui cho sản xuất công nghiệp là vẫn có một số địa phương có IIP tháng 8 tăng khá như: Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Ninh Thuận và Nam Định cùng tăng 14,2%; Quảng Trị tăng 13,7%; Bắc Giang tăng 13,1%...

Tại Hà Nội, Cục Thống kê TP. Hà Nội cho hay, IIP tháng 8 của Thành phố ước tính giảm 8% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,8% so với tháng 7/2021 và giảm 8% so với tháng 8/2020.

Đáng ngại hơn, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố ngày 6/9, tính tới cuối tháng 8/2021, có tới 40 - 50% đơn hàng của DN thuộc Hiệp hội giao trễ hẹn và khoảng 10 - 15% đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu cho biết trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tìm nguồn cung thay thế.

Nhiều DN ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… cũng lo lắng trước nguy cơ mất đơn hàng không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.

Thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính tổng hợp các đề xuất của địa phương về kinh phí phòng chống dịch. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, có chính sách cho lực lượng tuyến đầu. Bộ Giao thông vận tải tham mưu, phối hợp với các lực lượng khác thống nhất trong việc chỉ đạo lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân… Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Bộ Công Thương cho biết, từ nay tới cuối năm sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa các DN thuộc nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử... để duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm hoàn thành các đơn hàng đã ký kết cũng như tranh thủ những đơn hàng mới phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như Samsung, Toyota... tăng cường tìm kiếm, kết nối các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Đối với nhóm ngành sản xuất thép, phân bón, khai thác quặng, Bộ Công Thương chỉ đạo và phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các DN sản xuất lớn rà soát nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm...

Tin cùng chuyên mục