Động lực tăng trưởng thời gian tới tập trung vào đầu tư công, xuất khẩu và hoạt động chế biến, chế tạo. Ảnh: Lê Tiên |
Những số liệu kinh tế tháng 2 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương. Thương mại, dịch vụ tiếp tục khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể trong tháng giảm 82,8% so với tháng trước; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…
Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 là 7,9%. Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn.
Báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2022 diễn ra ngày 3/3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, những điều chỉnh về chính sách, tín hiệu mở cửa thời gian tới và kỳ vọng phục hồi kinh tế mạnh hơn trong năm 2022 đã bước đầu tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp. Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp không đủ tiềm lực buộc phải rời khỏi thị trường. Tuy vậy, ở khía cạnh tích cực, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tận dụng cơ hội, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những cam kết của Chính phủ liên quan đến hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã tạo động lực cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở nhiều lĩnh vực trong 2 tháng đầu năm 2022.
Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, mặc dù thị trường được dự báo là phục hồi, nhưng quá trình phục hồi có thể sẽ không suôn sẻ. Những thách thức có thể đến từ gia tăng chi phí logistics, biến động giá cả nguyên liệu đầu vào, tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao; các rào cản trong việc áp dụng công nghệ số đối với doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp chịu những ảnh hưởng nhất định từ đại dịch. Áp lực lạm phát trong năm 2022 vẫn rất lớn, chủ yếu xuất phát từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô dự báo tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tâm lý lo ngại lạm phát nhập khẩu có thể đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng cũng gây sức ép không nhỏ lên giá cả. Tốc độ tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có xu hướng giảm, gia tăng bất định và rủi ro cho đà phục hồi kinh tế…
Theo Bộ KH&ĐT, động lực tăng trưởng thời gian tới tập trung vào đầu tư công, xuất khẩu và hoạt động chế biến chế tạo. Chính vì vậy, bên cạnh việc bắt nhịp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 cần gắn với những hành động quyết liệt hơn nhằm bảo đảm giải ngân đầu tư công nhanh và hiệu quả hơn; tháo gỡ các bất cập đối với giải ngân đầu tư công. Đây là nội dung cần thiết, dù đã được đề cập nhiều trong những năm qua...
Đặt mục tiêu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quý I và cả năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành cần tăng cường dự báo, chủ động trong công tác điều hành, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh; phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả, quyết liệt các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I/2022, để tạo đà phục hồi nhanh, bền vững trong cả năm 2022.